Đến hẹn lại lên, đúng rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017, Ngày Thơ Việt Nam sẽ được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội và nhiều địa phương khác. Đây là lần thứ XV lá cờ Thơ có hình chim lạc cách điệu được kéo lên và bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng của Hồ Chí Minh được ngâm đọc mở đầu cho một lễ hội văn học đã trở nên quen thuộc với những người yêu văn chương ở Việt Nam.
Có thể nói rằng, cho đến nay, Ngày Thơ Việt Nam đã có sức thu hút không nhỏ đối với công chúng. Không tin cứ đến rằm tháng Giêng ta tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội sẽ được chứng kiến cảnh đông đúc và hào hứng của hàng nghìn người đi dự Ngày Thơ. Đủ các lứa tuổi, các tầng lớp trong xã hội, từ cụ già râu tóc bạc phơ chống gậy đến các cháu thiếu nhi vai còn quàng khăn đỏ. Họ đến, phải chăng để được hòa vào không khí lễ hội độc đáo mang đậm chất thi ca, để gặp gỡ giao lưu với bạn bè trong những ngày đầu xuân vốn đang còn thong dong, thư thả.
Đến để được thấy tận mắt, nghe tại chỗ các nhà thơ đọc ngâm trình diễn tác phẩm của họ. Có không ít những bài thơ về đất nước, quê hương, mùa xuân, tình yêu, người lính... đã được vang lên và thấm vào lòng người nghe một cách tự nhiên trong Ngày Thơ Việt Nam.
Vào rằm tháng Giêng hàng năm, tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), công chúng lại nô nức đến với Ngày Thơ Việt Nam. Ảnh: Hoa Quỳnh
Vậy thì, điều gì đã khiến Ngày Thơ Việt Nam trở nên hấp dẫn, cuốn hút công chúng như thế. Phải chăng, công chúng tìm thấy trong thơ ca Việt Nam nói chung và Ngày Thơ Việt Nam nói riêng những giá trị tâm hồn dân tộc được lưu giữ bền vững, sâu sắc, tinh tế qua nhiều thế kỷ đầm đìa máu, mồ hôi và nước mắt của công cuộc dựng nước và giữ nước. Lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự chủ, tự cường dân tộc và những toan lo vận nước được thổi bùng lên bằng thơ trong ngày hội thi ca đậm đà chất Việt này. Không có gì lạ cả, thơ ca đã đồng hành với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm nay với ca dao truyền khẩu trong dân gian, với thơ Lý - Trần như một kỳ quan rực rỡ của văn hóa nước nhà, với thơ yêu nước thời Lê, thời Nguyễn... và dòng thơ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc sau này... Thơ, dù ở thời nào nếu gắn bó với dân tộc, quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đời sống của nhân dân thì sẽ có cơ hội tồn tại, thâm nhập sâu vào công chúng một cách rộng rãi. Thơ là phiên bản của tâm hồn, nhưng chớ cho rằng chỉ có viết về cái riêng tư, riêng biệt của cá nhân mới là thơ đích thực. Nguyễn Trãi viết: Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân, và sau này Hồ Chí Minh viết: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà là tâm trạng riêng nhưng cũng là tinh thần chung đấy chứ. Tôi nghĩ, yêu nước thương dân là tư tưởng cũng là tình cảm xuyên suốt của mỗi nhà thơ.
Cho đến nay, có thể nói rằng Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành sinh hoạt văn hóa lành mạnh của một bộ phận không nhỏ nhân dân ta. Dù còn điểm này, điều khác yếu kém, khiếm khuyết nhưng không thể phủ nhận giá trị tinh thần và hiệu ứng cuộc sống mà Ngày Thơ Việt Nam mang lại. Sự phối hợp giữa tính hàn lâm với tính dân dã, tính hiện đại với tính truyền thống trong các Ngày Thơ đã tạo nên được một sân chơi lý thú cho những người làm thơ và yêu thơ. Đến đấy, người ta có thể đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ, hát thơ và cả sắp đặt thơ. Người ta có thể nghe và nhìn thơ với nhiều cung bậc, trình độ thưởng lãm khác nhau bằng tình yêu thi ca. Thơ vốn mang trong nó tâm hồn, tâm khí và cả tâm linh của dân tộc nữa nên nó đã, đang và vẫn là nhu cầu sáng tạo, trình bày, thưởng thức của một bộ phận không ít dân chúng. Thơ gần gũi với những sinh hoạt dân gian truyền thống; không ít bài thơ, câu thơ đã được đưa vào nội dung diễn xướng dân gian (hát dân ca, hát đối đáp, hát xẩm, phổ nhạc cho thơ, kịch thơ, múa thơ...) hay hoạt động tâm linh (lời cúng, hát đồng...). Thơ cũng có thể gắn với các “món chơi” truyền thống như đố chữ, vịnh thơ, ứng tác thơ, bình thơ, viết thư pháp thơ...
Trở lại với Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XV này ta sẽ thấy có những đổi mới khác biệt so với những năm trước. Đây là dịp để tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957 - 2017). Một Con đường thi nhân sẽ xuất hiện trong không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám linh thiêng. Một số nhà thơ và nhà văn của thế hệ chống Mỹ, thế hệ sau chiến tranh và đổi mới sẽ xuất hiện để trò chuyện với công chúng về hành trình sáng tạo tác phẩm... Đặc biệt, các tác giả được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2016 như Chu Lai, Lê Minh Khuê, Y Phương, Nguyễn Việt Chiến... sẽ có cuộc đối thoại với người dẫn chương trình ở sân chính. Như vậy, trong Ngày Thơ lần thứ XV, thơ không còn là thể loại văn học duy nhất được tôn vinh và đương nhiên không chỉ có nhà thơ đứng trên sân khấu ngày hội. Nói theo ý nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì bắt đầu từ đây chúng ta chuyển dần Ngày Thơ Việt Nam thành Ngày Văn học Việt Nam.
Có nên biến Ngày Thơ Việt Nam thành Ngày Văn học Việt Nam hay không? Đang có những ý kiến trái chiều về vấn đề này. Khi tôi đưa vấn đề lên trang facebook cá nhân, có bạn rất đồng tình với sự chuyển đổi này vì theo họ làm như thế mới công bằng với các thể loại văn chương. Cũng là để mở rộng nội dung và hình thức cho ngày hội văn chương. Ý kiến khác thì cho rằng, không nên vì thơ mới gần gũi với hình thức lễ hội, với những hoạt động mang tính cộng đồng. Có người không ngần ngại chê Hội Nhà văn Việt Nam đã tỏ ra hụt hơi, đuối sức trong việc tổ chức các Ngày Thơ nên mới cố tình chuyển đổi như thế.
Có lẽ, cũng nên xem xét kỹ dư luận bởi gắn với cái tên Ngày Thơ Việt Nam hay Ngày Văn học Việt Nam phải có những nội dung hình thức kèm theo phù hợp và nên mang tính đặc thù độc đáo của một ngày hội. Muốn đặc thù độc đáo phải có cái riêng. Tôi cho rằng, để Ngày Văn học Việt Nam hấp dẫn với công chúng như những gì Ngày Thơ Việt Nam đã tạo ra không dễ dàng chút nào.