Hà Nội

Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chợt nhớ một đêm trắng trong bệnh viện

25-02-2017 09:07 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Một trong những hình ảnh rất đẹp trong dịp Tết năm con Gà - Đinh Dậu vừa rồi, là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bế một trẻ sơ sinh khi bà đến thăm một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người quây quanh bà. Họ rất vui, khi các bệnh viện không chỉ tuyến tỉnh, huyện mà tuyến Trung ương cũng đã xanh - sạch - đẹp hơn trước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên nhân chính để đạt được kết quả này, trước hết là do các giải pháp đồng bộ của ngành như quyết liệt thực hiện giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng tuyến dưới, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất để tăng số giường bệnh, dần dần thực hiện đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Đưa ra Đường dây nóng y tế, rồi ban hành Thông tư về Quy tắc ứng xử của ngành, thực hiện đổi mới phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Toàn ngành y tế đã xử lý hơn 6 ngàn cán bộ chưa thực hiện đúng quy chế với rất nhiều hình thức như trừ tiền thưởng, tiền lương, điều chuyển vị trí công tác. Song song với việc đó là khen thưởng, biểu dương hàng loạt cán bộ y tế được người bệnh khen ngợi.

Cũng theo lời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu các bệnh viện đặt mình vào vị trí của người bệnh thì sẽ thấy làm như vậy vẫn chưa ổn. Không thể để bệnh nhân đợi lâu. Không được phép quát tháo bệnh nhân. Không để bệnh nhân nằm ghép lâu như thế. Cũng không thể để bệnh nhân ở mất vệ sinh như thế. Vì thế, bà vẫn chưa hài lòng. Vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục thực hiện và thực hiện quyết liệt. Phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành y tế và cả người dân. Và bà nói một câu khá ấn tượng: “Tôi chỉ bằng lòng khi người dân thực sự bằng lòng với các dịch vụ của ngành y tế”.

Tôi cũng từng là bệnh nhân. Qua rất nhiều bệnh viện. Tôi thấy các bác sĩ tận tụy lắm. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi lại nhớ đến Khoa Gây mê Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện 108. Ở đó có những vẻ đẹp thật khó quên. Không phải chỉ tôi, nhiều người khác cũng thấy thế.

Các thầy thuốc cấp cứu lúc nào cũng sẵn sàng, cơ động.

Các thầy thuốc cấp cứu lúc nào cũng sẵn sàng, cơ động.

Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Cầu và thân nhân gia đình anh, đồng đội anh, không ai nghĩ anh có thể thoát được cái chết. Anh bị tai nạn giao thông. Vết thương rất nặng ở phần ngực và bụng: vỡ lách, vỡ gan, thủng dạ dày, đứt động mạch treo, gãy hai xương sườn 11-12, tràn máu khoang phế mạc do hỏa khí. Anh tới Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện 108 trong tình trạng sốc chấn thương và mất máu rất nặng. Huyết áp không đo được. Nguyễn Ngọc Cầu đã thở như cá ngáp. Anh đặt cả hai chân xuống đáy huyệt rồi. Tập thể y bác sĩ của khoa và các khoa bạn đã triển khai rất nhanh các kỹ thuật hồi sức cấp cứu, chẩn đoán chính xác, xử trí mau lẹ, cùng kíp kỹ thuật chuyên khoa mổ kịp thời. Ba ngày sau, bệnh nhân đã ổn định, thoát qua tình trạng hiểm nghèo. Nguyễn Ngọc Cầu chỉ là một trong hàng vạn ca của Khoa Hồi sức cấp cứu trong mấy chục năm qua. Những người bay qua cõi chết ấy thường có chung một ý nghĩ: Họ đã được sinh lại lần thứ hai ở Khoa B4 Anh hùng này. Bệnh nhân thường tới khoa trong tình trạng bất tỉnh, mê man, đến khi tạm ổn định, nghĩa là lúc đã có thể nhận thức được mọi việc xung quanh thì họ được chuyển sang các khoa khác để tiếp tục điều trị. Có người không biết mình đã qua B4, không hình dung được gương mặt của các thiên thần đã dìu mình bay qua cõi chết như thế nào.

Tôi cũng đã hai lần qua đây với tấm áo bệnh nhân. Một lần cũng ở tình trạng mê man, không hề biết gì, như các đồng đội, sau ca mổ mật tuyệt vời của PGS.BS. Phạm Duy Hiển và các cộng sự của anh. Còn một lần, tôi đến khoa trong tâm trí hoàn toàn tỉnh táo. Chính vì vậy mà vô tình, tôi đã được chứng kiến trọn vẹn một đêm trực ở Khoa Hồi sức cấp cứu, một Đơn vị Anh hùng đã được Nhà nước tuyên dương.

Hồi ấy, tôi còn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau bữa cơm chiều, tôi bị một cơn đau bột phát. Cảm giác rất khó chịu. Thoạt đầu còn âm ỉ. Tôi nghi có thể mình bị đau dạ dày hoặc ngộ độc thức ăn. PGS.TS.BS. Lê Xuân Thục, lúc bấy giờ là Phó Viện trưởng Viện 108, người đã nhiều năm là Chủ nhiệm khoa B4 ở cùng chung cư với tôi, cho tôi uống một viên thuốc đặc trị, nhưng cơn đau không giảm. Sau đó thì đau dữ dội. BS. Thục nghi có thể tôi bị viêm tụy cấp. Thế là chỉ sau ít phút, xe cấp cứu của Bệnh viện 108 do BS. Bằng và hai y sĩ trực bữa đó đã có mặt ngay tại tầng 5 nhà tôi cùng với cáng thương và máy móc cấp cứu. Lập tức, tôi được đo huyết áp, rồi điện tâm đồ, sau đó thì xuống xe, vào viện. BS. Thục cũng đi cùng. Chiếc xe rú còi, xé màn đêm lao đi, vượt qua cả đèn đỏ. Đằng sau là xe của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Trong xe có Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng biên tập Nguyễn Bảo, cùng nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Thấy một đoàn hộ tống đề huề như thế, tôi phát hoảng. Không khéo cú này mình đi đứt rồi. Tôi thoáng có ý nghĩ đó, mặc dù lúc ấy, đầu óc vẫn tỉnh queo. Tới bệnh viện, tôi nhoài xuống để đi. Đại tá Lê Lựu ra lệnh, nghiêm như một vị tướng: “Cấp cứu gì mà lại chạy lồm cồm như thằng trèo tường, khoét vách thế kia. Cứ nằm yên trên cáng, chúng tớ khiêng. Khiêng cậu thì cũng như khiêng con lợn vào lò mổ, chứ có khó gì!”. Mọi người đưa tôi vào một căn buồng sáng choang, phảng phất mùi ê-te, mùi cồn, gộp lại thành một cái mùi là lạ, váng vất mà tôi cứ gọi nôm na là cái mùi B4. Lập tức tôi được chụp tim phổi, lấy máu, lấy nước tiểu, rồi bắt mạch, đo huyết áp, điện tâm đồ. Chừng mươi phút sau đã có các kết quả xét nghiệm. Tất cả đều bình thường. Cơn đau bột phát của tôi cũng đã biến mất sau một mũi tiêm. Các nhà văn ở cơ quan tôi đều thở phào, mừng tôi đã thoát nạn. Chỉ có BS. Thục là băn khoăn. Nửa đêm, bác sĩ còn điện đến, hỏi bệnh tình của tôi. “Chưa thể bình thường đâu. Nhất định là mật có vấn đề đấy. Có thể bị sỏi mật hoặc viêm túi mật, hay giun chui cuống mật. Ngày mai cho siêu âm”. Thế rồi đúng như lời BS. Thục tiên đoán. Tôi bị sỏi mật. Không phải một viên mà có đến hàng chục viên, trong đó có ba viên khá to. Tôi đã mang căn bệnh ấy từ mấy chục năm nay. Bây giờ mới đến lúc phát bệnh. Tôi muốn sống hòa bình với mấy viên sỏi mật ấy, như bao nhiêu người khác cũng đã từng như vậy. Sáng hôm sau, tôi xin ra viện. Nhưng không thể được. Bởi từ xưa đến nay, không có bệnh nhân nào ra viện từ B4. Đây là Khoa Cấp cứu hồi sức. Ai đến đây cũng ở tình trạng nguy kịch. Không có bệnh nhân nguy kịch nào lại ra viện từ phòng cấp cứu. Tôi được chuyển xuống B3, rồi làm thủ tục ra viện ở đó. Tôi mua thuốc tự điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nhưng rồi chỉ một tuần sau, tôi đã lại phải trở lại bệnh viện cũng trong tình trạng cấp cứu. Lần này thì tôi quyết định lên bàn mổ của BS. Hiển, rồi sau đó, tôi chính thức là bệnh nhân của B4. Nhưng đấy là chuyện của hơn một tuần sau đó. Còn lúc ấy, tôi hoàn toàn tỉnh táo. Cơn đau bột phát không còn nữa. Tôi thấy mình thật sự buồn cười. Tự dưng lại đi cấp cứu. Mà nào có ốm đau gì. Một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh, lại béo chút chít như một con lợn lai kinh tế, giờ nằm chềnh ềnh trên giường cấp cứu, xung quanh toàn những tấm thân gần đất xa trời. Có người thở bằng máy. Tiếng thở bập bùm như tiếng chày giã gạo. Có người khẽ rên. Có người nằm im phắc như một cái xác không hồn. Các y, bác sĩ liên tục qua từng giường theo dõi nhịp tim, huyết áp, thay các chai huyết thanh. BS. Bằng kéo tấm ri-đô che giường cho tôi, rồi tắt đèn trên nóc giường tôi để tôi dễ ngủ. Nhưng rồi suốt đêm, tôi không sao chợp mắt được, bởi tiếng thập thình, bùm bụp của máy thở, máy trợ tim. Rồi chốc chốc lại một ca cấp cứu rùng rùng chuyển đến. Có người đến cùng chai huyết thanh treo lủng lẳng trên đầu. Có người đến với cả một bình ôxy to vật vã như một quả bom tấn. Thế là lại chiếu chụp, điện tâm đồ, chẩn đoán, rồi đưa gấp lên bàn mổ. Cứ rình rịch suốt đêm như thế. Đèn rọi lòa lòa. Không gian căng thẳng và hồi hộp phấp phỏng. Trong khi đó, các khoa khác chìm trong màn đêm êm mượt. Chỉ le lói ánh đèn ở phòng y tá trực. Tôi nhổm dậy, lần ra bàn ngồi.

- Không ngủ được, hả anh? Có cần thuốc ngủ không? Hay tôi tiêm cho anh...

BS. Bằng nói với tôi bằng một giọng nhỏ nhẹ, gần như là thầm thì. Tôi lắc đầu:

- Thôi, không cần đâu. Bác có tiêm cho tôi đến chục ống thuốc ngủ thì tôi cũng chẳng thể ngủ được. Căng thẳng thần kinh quá. Đêm nào cũng như thế này cả à?

- Đêm nay còn là đêm nhẹ nhàng đấy. Có đêm cả chục ca cấp cứu đến cùng một lúc. Mà ca nào cũng nặng cả...

- Tôi mà ở đây một tháng thì không khéo đến phát điên mất!

- Chúng tôi thì quen rồi - BS. Bằng cười nhỏ nhẹ - Cái gì rồi cũng có thể quen được. Mấy chục năm liền như thế này rồi...

Mà cũng phải thôi. Đây là Khoa Hồi sức cấp cứu. Những người ở trong tình trạng nguy kịch nhất, hoặc sau mỗi ca mổ lớn mới đến đây. Chỉ sơ suất một chút, chậm trễ một chút là đã có thể dẫn đến tử vong và những thành tựu khoa học của các nhà phẫu thuật cũng theo cái chết của bệnh nhân mà tan ra gió. Ở khoa Anh hùng này, suốt hơn nửa thế kỷ qua, dường như không có sơ suất nào đáng tiếc.

Nhiệm vụ chính của khoa là cấp cứu hồi sức cho các bệnh nhân nặng sau mổ hoặc có biến chứng như chảy máu cấp, suy hô hấp cấp, suy tuần hoàn cấp. Cấp cứu các bệnh nhân đa chấn thương nặng: chấn thương sọ não, gãy nhiều chi, giập vỡ phủ tạng ổ bụng, hoặc những vết thương thấu phổi, hay nhồi máu cơ tim cấp, sốc nhiễm trùng, sốc nhiễm độc, tai biến mạch máu não, suy thận cấp, suy kiệt nặng... Nghĩa là toàn những bệnh hiểm nghèo, ứng cử viên Thần chết cả. Trong những năm chiến tranh, Khoa Hồi sức cấp cứu từng chia mình ra, chi viện cho các chiến trường khốc liệt như Quảng Trị, Khe Sanh, Nam Lào, rồi các tuyến biên giới phía Bắc, phía Nam. Những người ở lại thì sẵn sàng đón nhận các thương bệnh binh nặng từ tuyến trước chuyển về, từ các tuyến dưới đưa lên. Hàng vạn bệnh nhân nặng đã được cứu sống, trong đó có không ít các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị tướng lĩnh, các sĩ quan cao cấp, các chiến sĩ trong quân đội và cả những người dân nghèo buôn thúng bán mẹt. Với nhiệm vụ hồi sức, cấp cứu những căn bệnh hiểm nghèo, nên tập thể các thầy thuốc ở đây luôn ở trong tình trạng báo động. Nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng cơ động. Ngoài các thầy thuốc theo dõi điều trị các bệnh nhân ngay tại viện, khoa còn có hai kíp trực 24/24 giờ trong một ngày. Một kíp dành cho các sĩ quan cao cấp trong quân đội. Một kíp dành cho các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Các thầy thuốc có thể cơ động điều trị hồi sức cấp cứu ngay tại nhà riêng bệnh nhân. Hơn nửa thế kỷ qua, ngoài cấp cứu điều trị, khoa còn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được nghiệm thu, đưa vào sử dụng ở cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước. Nhiều đề tài được đánh giá xuất sắc và có giá trị đóng góp trong việc chẩn đoán, điều trị một cách có hiệu quả. Bằng cố gắng ấy, Khoa B4 đã góp cho Bệnh viện Trung ương Quân đội nhiều thầy thuốc có tài. Họ là những bác sĩ có rất nhiều thành tựu trong công tác điều trị. Nhiều bác sĩ, y tá, hộ lý đã thực sự chiếm được lòng yêu mến, tin cậy của các bệnh nhân.

Tôi bồi hồi lần giở từng trang sổ lưu niệm, từng xấp thư của bệnh nhân được chuyển đến Khoa B4 qua đài truyền hình và các hãng báo chí, truyền thông. Bức thư nào cũng chứa chan niềm tin và lòng biết ơn sâu sắc. Bà Võ Thị Lê, vợ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng nhiều lần là bệnh nhân ở đây. Bà không giấu được nỗi xúc động: “Tôi đã nhiều lần điều trị tại Khoa B4. Tinh thần phục vụ của các đồng chí vẫn không thay đổi: vui vẻ, tận tụy, nhã nhặn, đặc biệt là rất quan tâm đến những bệnh nhân nặng và lúc nào cũng vui vẻ với các bệnh nhân. Điều ấy không dễ gì có được ở các bệnh viện khác. Tôi rất kính trọng và quý mến những người công tác nơi đây. Tôi nằm ở B4 như nằm ở nhà mình vậy. Vì thế điều trị ở B4 rồi, tôi không muốn đi các khoa khác”. Còn đây nữa: “Tôi là Nguyễn Bá Can, 39 tuổi. Sau khi bị đau bụng cấp, tôi được bệnh viện tuyến tỉnh mổ cấp cứu thăm dò, rồi đóng lại, ở đó nói rằng, tôi bị ung thư, chỉ vài ngày nữa là chết, và ba ngày sau mổ, vết mổ chưa cắt chỉ, họ đã cho tôi ra viện, về nhà để chờ chết, nhưng 20 ngày sau, tôi vẫn không chết. Vết mổ nhiễm trùng nặng, toác miệng, nước mủ, phân trào ra suốt ngày. Bụng căng trướng, hết hy vọng sống, nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng chuyển tôi ra Hà Nội, có chết cũng không ân hận. Nửa đêm, tôi được chuyển đến B4. Lúc này bệnh tôi đã quá nặng. Các bác sĩ nói tôi bị trụy tim mạch, tiên lượng rất xấu, nhưng với tấm lòng vàng và tài năng của những người thầy thuốc chân chính, các giáo sư, bác sĩ, y tá của viện, trực tiếp là Khoa B4 đã hết lòng cứu chữa và chăm sóc tôi. 20 ngày sau, tôi đã khá dần. Huyết áp trở lại bình thường, vết mổ bụng thu nhỏ lại, ăn uống được, sau đó tôi được Khoa B5 điều trị tiếp. Và ít ngày sau, tôi đã ra viện trở về với vợ và ba con nhỏ. Đó là điều hạnh phúc to lớn đối với tôi và gia đình tôi...”. GS.TS. Bùi Xuân Tám, nguyên Viện trưởng Viện Quân y 103, là bệnh nhân của B4: “Những ngày nằm điều trị ở Khoa Hồi sức, tôi rất cảm động và khâm phục tinh thần trách nhiệm phục vụ bệnh nhân và thái độ đối xử, từ Chủ nhiệm khoa tới các bác sĩ, nhân viên y tá, hộ lý, đồng chí nào cũng để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp, nhất là Chủ nhiệm khoa. Hiếm có bệnh viện loại A nào lại có nề nếp, điểm bệnh rất đều đặn các buổi sáng của các đồng chí chỉ huy bệnh viện, của chuyên viên đầu ngành nội khoa và của Chủ nhiệm khoa đối với tôi cũng như các bệnh nhân nặng khác. Tôi thấy các kíp trực làm việc thâu đêm, mặc quần áo đúng quy định, chỗ làm việc sắp xếp gọn gàng, bệnh án và các bảng theo dõi được ghi chép đầy đủ, đúng giờ. Đặc biệt tôi không hề thấy có biểu hiện tiêu cực trong khoa. Quan hệ giữa thầy thuốc nhân viên với bệnh nhân là quan hệ trách nhiệm tình thương và niềm thông cảm, chứ không phải là quan hệ tiền nong, tiêu cực như một số nơi đang diễn ra hiện nay...”. Còn cô giáo Trương Kim Phương ở số nhà 23 Tạm Thương, Hà Nội thì tâm sự: “Quả là tôi đã từ cõi chết trở về. Tôi lên bàn mổ cấp cứu do băng huyết, vì mất máu quá nhiều, lại rơi vào tình trạng nhóm máu hiếm nặng (máu AB) nên sau khi mổ, tôi được chuyển ngay về B4 để hồi sức trong tình trạng rất nặng, mạch và huyết áp dao động, có lúc mất máu, máu truyền vào bị rối loạn đông máu, lúc ấy gia đình hoàn toàn tuyệt vọng, chỉ còn trông chờ vào tấm lòng và tài năng của các thầy thuốc Khoa B4. Thế rồi, bằng hết khả năng của mình, các thầy thuốc đã giành lại sự sống cho tôi từ tay tử thần. Tôi rất biết ơn các bác sĩ cùng các anh chị y tá trong khoa ngày đêm chăm sóc tôi, đem lại cho tôi cuộc sống hôm nay. Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi lần đầu, còn chính các anh các chị đã sinh ra tôi lần thứ hai. Trước đây tôi cứ nghĩ, mình là người dân thường, nhà lại nghèo thì khó mà được khám và điều trị trong Bệnh viện 108. Thực tế khác hẳn. Các anh các chị vẫn là anh bộ đội Cụ Hồ, người thầy thuốc của nhân dân, luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của mình, không phân biệt quân với dân, người sang với người hèn, tất cả vì người bệnh...”.

Tôi gấp cuốn sổ lưu niệm. Ánh điện nhợt dần. Ngoài cửa kính, mặt trời đã ló rạng. Thế là một ngày mới lại bắt đầu. Các bệnh nhân, những con người được sinh lại lần thứ hai kia, sau bao nhiêu đau đớn, giờ đã ngủ ngon lành như những đứa trẻ thơ nằm trong nôi. Còn tôi, một gã bệnh nhân rởm, chỉ sau một đêm thức trắng, khuôn mặt bỗng bợt bạt như nặn bằng sáp, người rệu rạo như một mụ nạ dòng vừa qua cơn vượt cạn thất bại. Tôi trở lại giường. Sắp đến giờ lãnh đạo viện và các chuyên gia, thầy thuốc tới điểm bệnh rồi. Các bác sĩ trực cũng đang chuẩn bị thay ca. Trông họ vẫn bình thản, vẫn tỉnh queo như chưa từng qua một đêm thức trắng. Họ thức như vậy quen rồi. Căn phòng này đã đi qua hàng triệu đêm như thế. Nói như BS. Bằng, đêm qua chỉ là một đêm rất đỗi bình thường, đêm chẳng có gì đặc biệt của Khoa Hồi sức cấp cứu...


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn