Hà Nội

Ngày tết đi xin chữ

06-02-2019 08:05 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mỗi năm hoa đào nở Lại thấy ông đồ già Bày mực Tàu, giấy đỏ Bên phố đông người qua

Đó là bốn câu mở đầu của bài thơ Ông đồ, một sáng tác tiêu biểu của thi sĩ Vũ Đình Liên. Ông đồ là một hình ảnh thường thấy mỗi khi Tết đến Xuân về của các nhà nho hay chữ thời xa xưa. Vào những ngày ấy, ông đồ thường ngồi ở các phiên chợ quê hay bên lề phố xá cho chữ, viết câu đối cho mọi người trang trí trong nhà. Tiếc là từ khi chế độ thi cử phong kiến bị bãi bỏ, chữ nho không còn được trọng dụng, ngày Tết chẳng mấy ai sắm câu đối hoặc chơi chữ,  từ đó, hình ảnh ông đồ chỉ còn là một dĩ vãng một thời. Thành ra bài thơ in trên báo Tinh Hoa năm 1936 của thi sĩ họ Vũ đã kết  lại bằng mấy câu thơ thật buồn:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Nhưng mà thi sĩ ơi! Đến hôm nay chàng hãy cởi bỏ nỗi buồn đó đi.Chàng đừng buồn nữa.Hồn người xưa vẫn còn đâu đây, vẫn còn hiện hữu quanh ta đây.Vì cái gì là vẻ đẹp nằm trong cội nguồn văn hóa dân tộc, nằm trong truyền thống dân tộc, làm sao có thể mai một được.

Ngày tết đi xin chữ

Yêu chữ, chơi chữ là một thú vui tao nhã, một nét đẹp trong tính cách người Việt ta.Vì người Việt ta quan niệm Nhất chữ nhì tranh, nghĩa là chữ còn được xếp cao hơn tranh một bực, nên thờ chữ, kính chữ là tập quán của người Việt ta. Vì cùng với thưởng thức cái đẹp của nét chữ, ta còn thấm thía thêm  cái ý nghĩa  nhân sinh ngụ trong mỗi đường nét, nhận ra  gia cảnh cốt cách cùng niềm mong ước, lời cầu chúc, điều tâm niệm, lời khuyên răn gửi gắm mỗi khi Tết đến Xuân về.

Người muôn năm cũ vẫn còn đây.Ông đồ vẫn còn đây. Ông là các nhà thư pháp đang cho thiên hạ chữ trong sân Văn miếu Quốc tử giám, trên khắp các hè phố Thủ đô ta khi cái Tết đang về kia.

Ông còn là nhà văn Hoàng Tiến bạn chí thiết của tôi nữa kia. Là bởi vì sau mấy tháng trời vắng bặt tin nhau,  con gái tôi đi chơi phố về, bảo: con vừa thấy bóng bác Hoàng Tiến đang cho chữ ở ngã tư Trần Hưng Đạo -  Bà Triệu. Thế là tôi vội nhảy lên chiếc xe đạp cũ kỹ phóng đi luôn. Quả nhiên, bạn tôi khăn xếp, áo the, quần ống sớ, hệt ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên đang ngồi trên chiếc chiếu hoa, phóng bút lông xuống tờ giấy hồng điều giữa bốn phía người xúm xít chờ xin chữ.

- Hai năm trời đi đâu mà mất tăm mất dạng thế?

- À, người không được khỏe. Vả lại, ngồi lì ở trong nhà để viết và  luyện chữ.

Luyện chữ! Đúng là ông bạn mình trong những năm tháng vừa qua, đã  đóng cửa buồng văn, coi thường mọi phiền tạp, lặng lẽ vừa viết sách vừa  theo đòi việc luyện chữ để mưu sinh và khai triển nội lực; để bây giờ đã có thể đóng được vai nhà thư pháp cho chữ thiên hạ nhân dịp xuân về rồi. Cứ nhìn mà xem.Trước hết là phong độ, cung cách.Sau đó là hiệu quả.Nào đâu có phải là múa bút lên để vẽ chữ.Mà là dành toàn bộ tâm trí vào mỗi đường nét để chữ có hồn cốt. Mà là sống hết mình trong mỗi đường nét để chữ vừa  thanh nhã vừa khoáng đạt, lại thể hiện cái thần thái  của ý nghĩa.

Cũng như nhiều ông đồ ngồi cả loạt bên cạnh bạn tôi, một chữ của Hoàng Tiến phóng xuống mặt giấy là một bức họa tuyệt đẹp. Mỗi nét hiển hiện tâm hồn đầy xúc cảm, được truyền dẫn từ con tim qua mấy đầu ngón tay cầm bút. Chữ ông hồn nhiên quẫy động trên giấy và gieo vào lòng người niềm suy tưởng vừa sâu sa vừa bát ngát lạ lùng. Xúm xít quanh ông và các bạn ông là du khách thập phương. Người Mỹ, người Anh, người Nga, người Tây Ban Nha, người Cu Ba, người Lào, bà con Việt Kiều. Trong nước, thôi thì đủ, doanh nhân,  nhà  khoa  học, văn nghệ sĩ, giáo viên, học sinh...

Người xin chữ Quang Minh - chính đại.Người xin chữ Trung với Nước, Hiếu với Dân. Người chữ Thọ, người chữ Phúc, chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Đức, chữ Trí. Xuýt xoa vì chữ đã rồng bay phượng múa bên cạnh lại còn lời đề từ mang hàm ý cực kỳ thâm hậu và mênh mang.

Chẳng hạn, tặng chữ Thọ còn có thêm lời đề từ bằng chữ nôm: Thọ tỉ nam sơn. Cạnh chữ Phúc lớn bằng cả một bức ảnh thờ là hàng chữ nhỏ ngũ phúc lâm môn. Cùng với một chữ Tâm lớn nằm trong thế vừa nức nở vừa thanh nhàn là hai câu thơ của Văn Thiên Tường: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử. Lưu thủy đan tâm chiếu hãn thanh, có nghĩa rằng: con người tự cổ ai không chết. Một tấm lòng son với sử xanh.

Năm nay không hiểu sao có nhiều ông cụ đến xin chữ Nhẫn thế! Hay là ngoài giá trị là bức thư họa đẹp bi hùng, còn thích cả cái triết lý toát ra từ lời bình kèm theo: Nhẫn nhất thời, phong bình lãng tinh. Thoái nhất bộ, hải khoát thiên không.

Chiều ngày cuối năm, tôi lại đến thăm ông, cũng định xin một chữ gì đó cho phù hợp với tâm cảm mình lúc sắp bước sang năm mới.

“Xin lỗi, chờ mình một tý”.Vừa lúc, Hoàng Tiến nói và ngẩng lên.Ông có khách.Khách là một thiếu nữ nhỏ nhắn, mặc cái áo budông len rộng và đeo cái cặp da lớn ở sau lưng. Nhìn nét mặt non tươi và xem trang phục có thể đoán chắc thiếu nữ nọ đang còn là sinh viên hay cùng lắm mới chập chững bước vào đời thôi.

- Thưa bác, cháu xin hỏi bác giá cả thế nào - Thiếu nữ nhỏ nhẻ - Cháu hỏi thế để định liệu thôi. Chứ cháu không dám mua chữ của bác.Cháu chỉ xin chữ của bác thôi ạ.

- Thế cháu định xin chữ gì?

- Dạ, cháu cũng chưa biết ạ.

- Vậy thế này. Các cháu đang trẻ, cần phải có ý chí lớn.Cháu chờ một chút, bác viết ngay đây.

Hoàng Tiến cúi xuống, cầm cây bút, quệt vào nghiên mực.Như có phép thần, trên vuông giấy hồng điều khổ lớn, thoáng cái đã hiện ra đen nhánh nét mực một chữ Chí vừa mềm mại vừa hiên ngang khác thường.

- Thưa bác. Bác cho cháu hàng chữ gì ở bên cạnh nữa đấy ạ?

- Chữ Quốc ngữ đấy. Cháu đọc đi!

- Dạ... Tài cao phận thấp chí khí uất.Giang hồ mê chơi quên quê hương.

Trời! Tôi có cảm tưởng rất rõ ràng rằng, hai câu thơ mang bao xôn xao phấn khích của Tản Đà  lúc này, trong không khí một chiều cuối năm, đang ánh xạ trên gương mặt tràn đầy khí phách và phong thái cao ngạo của nhà văn bạn tôi.

Bạn tôi qua chữ đang truyền lửa cho thế hệ trẻ chí không chịu thua, nhất quyết khởi nghiệp để góp phần làm cho đất nước ngày càng phồn thịnh, người dân ngày càng được hạnh phúc, ấm no.


Bút ký của Ma Văn Kháng
Ý kiến của bạn