Hà Nội

Ngày Tết, cha mẹ cần làm gì để không phải canh chừng con 24/24?

26-01-2023 14:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Không ít các bậc cha mẹ luôn canh chừng con trong mọi thời điểm, bởi cho rằng như vậy mới có thể bảo vệ, kịp thời giúp con tránh khỏi được những nguy hiểm rình rập. Việc canh chừng con một cách thái quá có thể mang lại hiệu quả trái ngược với mong đợi.

Thực tế cho thấy, hiện nay không ít các bậc cha mẹ luôn có suy nghĩ và hành động muốn canh chừng con   trong mọi thời điểm. Lý do chủ yếu là cha mẹ cho rằng, canh chừng như vậy thì mới có thể sát sao, bảo vệ được con, kịp thời giúp con tránh khỏi được những nguy hiểm rình rập.

Thậm chí nhiều bậc phụ huynh vì muốn bảo vệ con đã can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con, hay quá chiều chuộng, vô tình tạo cho con một vỏ bọc khiến con không thể tích lũy được kinh nghiệm từ nhỏ về những kỹ năng sống cơ bản như vệ sinh cá nhân, giặt giũ, nấu nướng… Việc kiểm soát thái quá có thể mang lại hiệu quả trái ngược với mong đợi.

Vào những ngày lễ Tết, các gia đình thường rất bận rộn, dọn dẹp nhà cửa, nấu cỗ, ăn nhậu… nhưng nhiều cha mẹ vẫn không quên nhiệm vụ "canh chừng". Vì bận rộn mà vẫn phải canh chừng con nên không ít cha mẹ rơi vào cảnh cáu gắt và quát tháo. Nhiều trường hợp đành chấp nhận "ném" cho con chiếc điện thoại để con ngồi yên, mà không biết rằng, điện thoại cũng chính là một trong những thứ nguy hiểm tiềm ẩn mà con cần tránh.

Ngày Tết, cha mẹ cần làm gì để không phải canh chừng con 24/24? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Theo Chuyên gia giáo dục – TS. Vũ Thị Thu Hương, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là phải vứt bỏ ngay quan niệm "trẻ nhỏ không biết gì", bởi ở độ tuổi nào các con cũng cần phải học làm để lớn.

"Vì quan niệm này mà nhiều cha mẹ làm tất cả mọi việc, để con nhàn rỗi. Rảnh quá thì con sẽ chơi game, chơi điện thoại, tivi... Chơi nhiều thì thành thói quen, rồi dần con sẽ lại dính lấy điện thoại, tivi…", chuyên gia giáo dục phân tích.

Cũng theo Chuyên gia, cha mẹ cần bỏ ngay suy nghĩ "chỉ có mình mới biết sắp xếp, tổ chức công việc". Ngày Tết, cha mẹ cần giao cho con lo hẳn một phần việc lớn như trang trí nhà cửa, có cả phần mua đào, quất, mai.... với khoản chi phí cố định. Con phải khảo giá, lên kế hoạch cụ thể để cha mẹ xem, nếu đồng ý với kế hoạch thì sẽ cho con làm hoặc phân công công việc để mọi người cùng làm.

Hoặc cha mẹ cũng có thể giao cho con xây dựng kế hoạch hoạt động Tết, như giao thừa sẽ đi đâu, mùng 1 Tết đi đâu, làm gì... Các con lên kế hoạch dựa vào phong tục gia đình, nếu kế hoạch ổn thì cả nhà làm theo con. Con sẽ là người nhắc nhở lịch trình cho cả nhà.

"Nấu cỗ nên phân công mỗi người phụ trách 1 món. Bố luộc gà, nấu miến; mẹ đồ xôi, chuẩn bị đồ gói bánh chưng; con làm nem; em bé hơn có thể lo rau sống.... Bữa nào trong Tết cũng cứ việc ai nấy làm. Làm được điều này thì cỗ bàn đỡ trở thành gánh nặng của người lớn mà ai cũng đóng góp công sức, rất vui.

Bữa ăn là lúc hỏi thăm nhau. Bố mẹ có thể yêu cầu mỗi bạn nhỏ kể một câu chuyện góp vui. Thấy người lớn lắng nghe, các con sẽ rất hào hứng nói chuyện. Để con không bối rối, bố mẹ có thể nhắc con con chuẩn bị trước Tết về các nội dung con sẽ chia sẻ", TS. Vũ Thị Thu Hương hướng dẫn.

Ngoài ra, dù bận mấy thì bận, cha mẹ cũng nên thu xếp thời gian, tranh thủ chơi cùng các con. Các trò như tú lơ khơ, cá ngựa, tam cúc, ô ăn quan… khi được chơi cùng cha mẹ các con sẽ thấy ngày Tết không tẻ nhạt, hơn nữa cả nhà lại có thêm nhiều kỷ niệm vui, đáng nhớ.

"Đừng nghĩ yêu con là làm hết cho con. Hãy để đứa trẻ được đóng góp công sức, khi đó, con sẽ rất vui và tự hào về bản thân mình. Và chẳng mất nhiều công đâu, bố mẹ sẽ thấy con bỏ mặc game, điện thoại, tivi,...  ngay", TS. Vũ Thị Thu Hương chia sẻ.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Bé Sơ Sinh Vừa Chào Đời Đã Mắc Giang Mai - SKĐS


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn