Ngày sách Việt Nam 21/4 được mở ra nhằm đề cao tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn cũng như khẳng định vai trò, vị trí của sách trong đời sống xã hội. Thông qua các hoạt động này khẳng định tinh thần trọng sách, trọng tri thức, nêu cao tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngày sách Việt Nam đã được bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tại TP. Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất gồm 2 nội dung chính: Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam và Chuỗi hoạt động của Ngày sách Việt Nam lần thứ nhất tại TP. Hà Nội.
Vào 20h ngày 19/4, tại Quảng trường Lý Thái Tổ, TP. Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam hàng năm trên toàn quốc.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại khu vực Quảng trường trước cửa Ngân hàng Nhà nước đã diễn ra lễ khai mạc Đường sách giới thiệu sách của các nhà xuất bản. Việc thiết kế, trưng bày đường phố sách được thực hiện theo 4 chủ đề: chủ đề về chiến thắng Điện Biên Phủ; chủ đề về biển đảo quê hương; chủ đề kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô và chủ đề giới thiệu các di sản văn hóa của Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Ngoài ra, 4 khu vực cũng được bài trí theo 4 chủ đề: sách văn học, văn hóa nghệ thuật, sách khoa học công nghệ, sách giáo dục và thiếu niên nhi đồng... Trong thời gian này cũng đã diễn ra các hoạt động truyền bá về sách và tri thức.
Tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, các diễn giả là các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã nói về chủ đề sách với quá trình hình thành phát triển tri thức. Tại Quảng trường trước cửa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với diễn giả là các nhà văn Việt Nam đã nói về chủ đề sách và trách nhiệm người cầm bút.
Còn tại Văn Miếu Quốc Từ Giám, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói về Sách với bạn đọc trẻ trong xu hướng phát triển và hội nhập...
Ngày 20/4, lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam chính thức diễn ra lúc 8h tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Từ ngày 20/4 đến ngày 26/4, tại Thư viện Quốc gia là chương trình đặc biệt với chủ đề Ngày hội sách từ quá khứ tới đương đại, trong đó trưng bày cuốn sách bằng đồng do vua Minh Mạng viết được lưu trữ tại thư viện của Đức.
Cũng vào ngày 20/4 đã diễn ra chương trình giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tại đường phố sách và các hoạt động tổ chức tọa đàm về sách. Giáo sư Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về Sách và truyền thống hiếu học.
Chương trình hát xẩm, ca trù, chèo, dân ca quan họ, biểu diễn các tiểu phẩm, hát, múa... đã góp phần làm sinh động và thêm phần ý nghĩa cho các hoạt động trong Ngày sách Việt Nam.
Bên cạnh đó, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngày sách Việt Nam được tổ chức từ ngày 19 - 23/4 tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ngày sách Việt Nam tại TP.HCM thu hút sự tham gia của 13 nhà xuất bản, phát hành sách tại TP.HCM.
Nhân sự kiện này, Thành đoàn TP.HCM phát động bình chọn 100 quyển sách thanh thiếu niên cần đọc với chủ đề “Những quyển sách sống cùng tuổi trẻ”.
Hào hứng có mặt tại các nơi diễn ra các hoạt động của Ngày sách Việt Nam, nhà báo Trịnh Đình Nghi đã nói: "Càng ngẫm càng thấy văn của cổ nhân tuy không dài mà ý sâu tầm rộng, sống trường tồn. Văn đó không cần chép, không cần in... mà ai cũng nhớ và nhớ mãi. Và để đạt được cái trác tuyệt đó, bây giờ, những cuốn sách được in ra buộc phải hay, những câu chuyện, những vấn đề phải thấm đẫm nhân văn và ẩn chứa nhiều trí tuệ... Có vậy người ta mới thấy cần, thấy thú vị và hứng khởi mỗi khi đọc sách. Và dần dần, nó sẽ tạo thành thói quen, một sự yêu thích... bởi chỉ có văn hóa mới làm cho con người có văn hóa và cũng chỉ có văn hóa mới làm cho văn hóa phát triển!".
Tuyết Lan