Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây. Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra tại tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó Đường sách Nguyễn Huệ (quận 1, TP. HCM) sẽ trở thành trung tâm. Tại đây, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP.HCM và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, đồng thời mở nhiều hoạt động bổ ích nhằm phát triển văn hóa đọc.
Ngày sách tưng bừng tại TP.HCM
Theo Ban tổ chức, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ 19 – 24/4 tại Đường sách Nguyễn Huệ là sự kiện chính. Hội sách được thiết kế theo 3 không gian. Cụ thể, không gian chuyển đổi số sẽ trưng bày, giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, không gian "Thành phố sách" trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại. Đây cũng là nơi diễn ra các buổi giao lưu với tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm chuyên đề về sách, các chương trình văn nghệ. Và không gian giới thiệu các mô hình văn hóa đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, thư viện thông minh…
Ngoài sự kiện và không gian chính tại Đường sách Nguyễn Huệ, nhiều địa điểm tại TP.HCM sẽ có các hoạt động hưởng ứng, trong đó phải kể đến Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1). Thông tin từ Ban quản lý Đường sách Nguyễn Văn Bình cho biết, tại đây từ ngày 16 - 24/4 sẽ có nhiều hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất – năm 2022.
Trong đó, Đường sách Nguyễn Văn Bình tổ chức trưng bày gần 700 tựa sách, "Tủ sách dành cho con trong gia đình" giới thiệu đến các gia đình tủ sách phù hợp với ngân sách, sở thích, sách được gợi ý theo từng chủ đề giúp phụ huynh dễ dàng chọn mua cho con và các thành viên trong gia đình. Ban tổ chức cũng trưng bày sách dành cho con trong gia đình và trải nghiệm các trò chơi văn hóa dân gian, tương tác với bạn đọc nhí và các gia đình vào ngày cuối tuần.
Song song đó, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình diễn ra hoàng loạt các chương trình giao lưu, giới thiệu sách, tọa đàm văn hóa đọc như: Tọa đàm trực tuyến "Về văn hóa đọc – thách thức, cơ hội và kiến nghị"; Tọa đàm về phát triển Tủ sách dành cho con trong gia đình; Giao lưu, giới thiệu sách "Mở sách bách khoa – Vươn ra thế giới"; Tọa đàm "Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên"; Giao lưu "Kỹ thuật phục chế sách xưa" với nghệ nhân – bác sĩ sách Bùi Tiến Phúc; Đêm nhạc giao lưu, biểu diễn các ca khúc nhạc phim chuyển thể từ sách…
Trong thời gian từ ngày 16/4 đến ngày 24/4, các gian hàng có chính sách ưu đãi lên đến 50%, sách đồng giá kèm quà tặng dành cho bạn đọc khi mua hàng.
Hoạt động xuất bản tại TP.HCM vượt khó
Hai năm qua, Hội sách Quốc gia nói chung và các hoạt động tại Đường sách Nguyễn Huệ, Đường sách TP.HCM (phố Nguyễn Văn Bình) nói riêng bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, khi TP. HCM trở về trạng thái bình thường mới, đại dịch toàn cầu được khống chế, hoạt động tại các đường sách ở thành phố mang tên Bác đã trở lại, tiếp tục là điểm đến và là nơi gặp gỡ của những người yêu văn hóa đọc.
Tại Hội nghị tổng kết công tác xuất bản năm 2021 và triển khai công tác xuất bản năm 2022 do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức vừa qua, số liệu cho thấy ngành xuất bản, in và phát hành của TP.HCM tiếp tục phát triển và khẳng định là một trong các ngành nghề đi đầu cả nước về doanh thu toàn ngành. Cụ thể: lĩnh vực xuất bản, phát hành ước đạt trên 3.500 tỷ đồng/năm, lĩnh vực in thành phố ước đạt trên 45.000 tỷ đồng/ năm, duy trì ổn định ở mức tăng trưởng từ 6 - 8%/năm.
Hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sách tại TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của những mô hình hiện đại như: Cà phê sách, Đường sách; Thành phố Sách; Nhà sách thông minh…
Trong năm 2020 - 2021, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã tổ chức bàn giao gần 8.000 đầu sách cho các xã, thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành thành phố; trang bị, cung cấp sách cho cơ sở với thể loại sách đa dạng, phong phú theo chủ đề thuộc các tủ sách: Tủ sách chất lượng cao, tủ sách thiết yếu về chính trị - tư tưởng - xã hội, tủ sách thông tin đối ngoại và Tủ sách khuyến đọc cho học sinh.