Ngày sách và văn hóa đọc: Bức tranh đa sắc

24-04-2019 10:01 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau 5 năm, Ngày sách Việt Nam đi vào đời sống đã thu về nhiều kết quả tích cực, trở thành sự kiện để tôn vinh sách và giúp văn hóa đọc nước nhà phát triển hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, còn chút khoảng lặng bởi văn hóa đọc trong cộng đồng còn thấp so với các quốc gia khác.

Dấu ấn

Năm nay, Ngày sách Việt Nam (21/4) tiếp tục “phủ sóng” trên khắp cả nước từ trung tuần tháng 4/2019. Nổi bật trong số này là Ngày sách Việt Nam tại Hà Nội với sự tham gia của 84 đơn vị tham gia với hơn 100 gian hàng, giới thiệu hàng vạn cuốn sách đủ thể loại từ văn học, lịch sử, khoa học kỹ thuật đến khởi nghiệp, kỹ năng sống. Trong khi đó, tại TP.HCM, Hội sách có chủ đề “Sách và cộng đồng trẻ” thu hút hàng vạn lượt người tham gia, ngoài việc giới thiệu, mua bán sách còn có nhiều hoạt động sôi nổi góp như tọa đàm, trưng bày những tủ sách khuyên đọc cho thiếu nhi... Hội sách Hải Phòng gần đây sôi động không kém, là không gian bổ ích để công chúng đến tham quan, tìm hiểu, sưu tầm và đọc sách. Ngoài ra, Ngày sách Việt Nam tỉnh Hà Nam vừa qua là điểm đến bổ ích của đông đảo các văn nghệ sĩ và người yêu sách với điểm nhấn lớn là trưng bày xếp sách nghệ thuật, xếp sách mô hình ngọn hải đăng...

Tại Ngày sách Việt Nam gần đây ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, qua 5 năm triển khai, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã phát động, xây dựng phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngày hội sách và cũng là sự kiện tôn vinh văn hóa đọc mỗi độ tháng 4 về ở nước ta diễn ra rộng khắp, quy mô ngày càng lớn và chuyên nghiệp hơn. Đến nay, 90% số tỉnh, thành phố triển khai hoạt động của Ngày sách Việt Nam đến các quận, huyện và 30% tỉnh, thành phố tổ chức tại cấp phường, xã.

Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, Ngày sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách, đặc biệt là tham gia, hưởng ứng tích cực các chuỗi hoạt động liên quan đến sách. Trong đó, văn hóa đọc giữ một vai trò quan trọng, góp phần vào sự hình thành nên con người toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, cập nhật tri thức không ngừng để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Sự lớn mạnh của Ngày sách Việt Nam trong 5 năm qua cũng đã góp phần không nhỏ giúp ngành xuất bản phát triển với sự ra đời 160.000 xuất bản phẩm; 1,9 tỷ bản sách, tăng 20% so với trước đây. Đồng thời, chất lượng, hình thức xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp đa dạng kiến thức, thông tin, phục vụ tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Ngày sách Việt Nam 2019 tại Hà Nội thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.

Ngày sách Việt Nam 2019 tại Hà Nội thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.

Khoảng lặng nhỏ

Không thể phủ nhận, Ngày sách Việt Nam đã đem lại nhiều dấu ấn, thành quả tốt đẹp kể trên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự phát triển của Ngày sách Việt Nam chưa hẳn đã đồng nghĩa với văn hóa đọc chuyển mình. Theo một khảo sát quốc tế, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thi thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần của người dân nước ta so với quốc tế đang ở một khoảng cách khá xa. Cụ thể, người dân Việt Nam bỏ ra khoảng 1 giờ/tuần để đọc sách, trong khi đó Ấn Độ gần 11 giờ, Nhật Bản 4 giờ, Hàn Quốc là 3 giờ. Ngoài ra, người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng trong đó hơn một nửa là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người dân nước ta hàng năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách và thuộc nhóm thấp so với các nước trong châu lục cũng như thế giới.

Thực tế người dân, đặc biệt giới trẻ tiếp cận, đọc sách ít đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, trên thế giới (trong đó có Việt Nam), sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, “văn hóa nghe - nhìn” là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến văn hóa đọc đang bị lấn át. Chưa kể, tình trạng sách giả, sách lậu vẫn tồn tại khiến niềm tin với sách nói riêng, tình yêu với văn hóa đọc nói chung của một bộ phận độc giả giảm sút.

Để phong trào học, đọc sách lan tỏa, có chiều sâu hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các cơ quan liên quan cần tiếp tục phát huy những thành quả mà Ngày sách Việt Nam những năm qua đã đạt được; cần có các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản hoạt động và đưa sách đến cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, các cấp, ngành cần tích cực lồng ghép phong trào đọc sách với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khuyến học và tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, tôn vinh tác giả, tác phẩm, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế trong lĩnh vực xuất bản... Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn An Tiêm chia sẻ, để nâng cao văn hóa đọc cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn