Chủ đề năm nay được ICN công bố là: "Điều dưỡng của chúng ta – Tương lai của chúng ta – Chăm sóc điều dưỡng là tăng cường hiệu quả kinh tế. Thông điệp này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào sức khỏe và phúc lợi của đội ngũ điều dưỡng để đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế toàn cầu.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS. Phạm Văn Tác – nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), chuyên gia cao cấp Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhấn mạnh: Điều dưỡng là lực lượng then chốt, chiếm khoảng 75% nhân lực tại các cơ sở y tế, là mắt xích quan trọng trong hiệu quả chăm sóc người bệnh và vận hành y tế hiện đại.

Các đại biểu, thầy cô giáo và sinh viên tham dự lễ kỷ niệm.
Ông cho rằng sự phát triển của ngành y tế không thể tách rời việc đầu tư toàn diện cho điều dưỡng, ông từng đề xuất việc cần có cơ chế bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách điều dưỡng tại bệnh viện. Đây là bước đi cần thiết để điều dưỡng không chỉ làm việc trong thầm lặng, mà thực sự được ghi nhận như một trụ cột chuyên môn.
Ông cũng gửi gắm tới sinh viên HIU thông điệp: "Thế giới đang mở ra trước mắt các bạn. Các bạn sinh viên hôm nay có thể vươn ra thế giới bằng chính năng lực, tinh thần học tập không ngừng và khát vọng cống hiến."
Một trong những điểm nhấn tại buổi lễ là nghi thức "truyền lửa" – hoạt động mang tính biểu tượng nhằm tưởng nhớ Florence Nightingale, người được xem là khai sinh ngành điều dưỡng hiện đại. Ngọn lửa được truyền từ giảng viên đến sinh viên, đại diện cho tinh thần cống hiến, trách nhiệm, lý tưởng và sự kế thừa giữa các thế hệ.

Nghi thức "truyền lửa" – hoạt động mang tính biểu tượng nhằm tưởng nhớ Florence Nightingale, người được xem là khai sinh ngành điều dưỡng hiện đại tại lễ kỷ niệm.
Thực trạng ngành điều dưỡng tại Việt Nam
Cùng ngày, hội thảo khoa học chuyên đề "Xu hướng mới trong đào tạo và thực hành điều dưỡng" đã diễn ra với các tham luận tiêu biểu như: "Vai trò của điều dưỡng cấp cứu ngoại viện: Tiềm năng và thách thức" – TS. Phạm Minh Nhựt (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch); "Tầm soát ung thư đại trực tràng và vai trò của điều dưỡng" – BS.CK1 Trần Phước Hữu (BV Thống Nhất); "Tích hợp nền tảng số trong đào tạo cử nhân điều dưỡng" – TS. Hồ Đăng Khánh Ngân (HIU).
Các nghiên cứu trình bày tại hội thảo đã góp phần mở rộng góc nhìn thực tiễn và tăng cường kết nối giữa đào tạo và thực hành trong lĩnh vực điều dưỡng.
Ngành điều dưỡng tại Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo thống kê, với dân số khoảng 100 triệu người, nước ta cần khoảng 260.000 điều dưỡng viên để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 140.000 điều dưỡng viên đang làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là vấn đề đáng lo ngại. Khoảng 75% điều dưỡng viên chưa đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với phần lớn chỉ có trình độ sơ cấp và trung cấp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đòi hỏi sự cải thiện trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng.

Các thầy cô giáo và sinh viên chuyên ngành điều dưỡng của Đại học Quốc tế Hồng Bàng tại lễ kỷ niệm.
Chương trình Cử nhân Điều dưỡng quốc tế tại HIU
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao, từ năm 2025 trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng triển khai chương trình Cử nhân Điều dưỡng Quốc tế học hoàn toàn bằng tiếng Anh, theo mô hình song hành Việt Nam – Hoa Kỳ.
Chương trình hướng đến sinh viên mong muốn làm việc tại các bệnh viện quốc tế trong nước hoặc theo đuổi sự nghiệp điều dưỡng tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đức…
Sinh viên có thể học toàn bộ 4 năm tại Việt Nam hoặc chuyển tiếp sang Hoa Kỳ sau năm nhất với học bổng lên đến 80% và cơ hội làm việc theo hợp đồng ngay sau tốt nghiệp. Chương trình tập trung đào tạo năng lực ngoại ngữ chuyên ngành, kỹ năng chăm sóc bệnh nhân theo chuẩn quốc tế và định hướng thi chứng chỉ hành nghề NCLEX, điều kiện bắt buộc để hành nghề tại Mỹ.
Lan Phương