Ngày nghỉ hằng tuần của người lao động có bắt buộc phải vào thứ Bảy, Chủ nhật?

16-09-2023 09:00 | Xã hội

SKĐS - Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ được sắp xếp nghỉ hằng tuần ít nhất 24h liên tục. Tuy nhiên, ngày nghỉ hằng tuần có bắt buộc phải vào thứ Bảy, Chủ nhật?

Ngày nghỉ hằng tuần của người lao động không bắt buộc phải vào thứ Bảy, Chủ nhật

Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ được công ty sắp xếp nghỉ hằng tuần ít nhất 24 giờ liên tục. Nếu không thể bố trí cho người lao động nghỉ hằng tuần thì công ty có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày.

Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Hiện nay không bắt buộc công ty phải cho người lao động nghỉ hằng tuần vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật mà công ty hoàn toàn có thể bố trí các ngày khác trong tuần để cho người lao động nghỉ nhưng phải ghi vào nội quy lao động.

Thậm chí, do đặc thù công việc, có trường hợp người lao động còn phải đi làm cả tuần mà không có ngày nghỉ. Tuy nhiên sau đó, công ty phải bố trí cho người lao động nghỉ để đảm bảo người đó được nghỉ trung bình 4 ngày/tháng.

Thực tế hiện nay, các công ty trong nước thường lựa chọn cho người lao động nghỉ hằng tuần theo một trong 3 hình thức phổ biến sau đây (trừ một số trường hợp đặc biệt do đặc thù công việc):

- Cho người lao động nghỉ hằng tuần 1 ngày vào ngày Chủ nhật;

- Hoặc cho người lao động nghỉ hằng tuần 1 ngày rưỡi vào chiều thứ Bảy và cả ngày Chủ nhật.

- Hoặc cho người lao động nghỉ hằng tuần 2 ngày vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Ngày nghỉ hàng tuần của người lao động có bắt buộc phải vào Thứ Bảy, Chủ nhật? - Ảnh 2.

Ngày nghỉ hàng tuần của người lao động không bắt buộc phải vào thứ Bảy, Chủ nhật. Ảnh minh họa: TL

Trường hợp người lao động đi làm ngày thứ Bảy, Chủ nhật được tính lương thế nào?

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và các quy định khác hướng dẫn liên quan trường hợp người lao động đi làm ngày thứ Bảy, Chủ nhật:

- Trường hợp thứ Bảy, Chủ Nhật là ngày làm việc bình thường thì người lao động được hưởng lương bình thường theo thỏa thuận của hợp đồng lao động đã giao kết.

- Trường hợp thứ Bảy, Chủ Nhật là ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động sẽ được trả lương làm thêm giờ nếu đi làm vào những ngày này, cụ thể như sau:

- Tính tiền lương làm thêm giờ vào ban ngày:

+ Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động quy định theo Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = (Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường) x (Mức ít nhất 200%) x (Số giờ làm thêm).

+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, được trả lương làm thêm giờ khi làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường để làm thêm số lượng, khối lượng sản phẩm ngoài số lượng, khối lượng sản phẩm theo định mức lao động theo thỏa thuận với người sử dụng lao động và được tính theo công thức sau:

Tiền lương làm thêm giờ = (Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường) x (Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300%) x (Số sản phẩm làm thêm).

- Tính tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm:

+ Đối với người lao động hưởng lương theo thời gian, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = [(Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường) x (Mức ít nhất 200%) + (Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường) x Mức ít nhất 30% + (20%) x (Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày nghỉ hàng tuần)] x Số giờ làm thêm vào ban đêm

+ Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = [(Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường) x (Mức ít nhất 200%) + (Đơn giá tiền lương sản phẩm của ngày làm việc bình thường) x Mức ít nhất 30% + (20%) x (Đơn giá tiền lương sản phẩm vào ban ngày của ngày nghỉ hàng tuần)] x Số sản phẩm làm thêm vào ban đêm.

Ngày nghỉ hàng tuần của người lao động có bắt buộc phải vào Thứ Bảy, Chủ nhật? - Ảnh 3.

Ngày nghỉ hằng tuần được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh minh họa: TL

Người lao động nghỉ ốm đau vào ngày nghỉ hằng tuần có được hưởng chế độ ốm đau theo quy định?

Khoản 1, Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d và h Khoản 1, Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Theo quy định trên thì đối với chế độ ốm đau cho người lao động bị ốm đau thông thường chỉ tính những ngày làm việc.

Trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày có tính ngày nghỉ hằng tuần không?

Khoản 2, Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Thời gian hưởng chế độ ốm đau

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại Điểm a Khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Do đó, những ngày người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày được hướng dẫn bởi Thông tư 46/2016/TT/BYT.


L.Vũ (th)
Ý kiến của bạn