Ngày nào cũng có bệnh nhân sốc phản vệ

15-04-2016 07:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Số người bị sốc phản vệ ngày càng nhiều. Trước đây, mỗi năm, tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ gặp vài trường hợp thì nay hầu như ngày nào cũng có người bị sốc phản vệ. Trên thực tế có những bệnh nhân chỉ uống một viên thuốc hoặc bị dị ứng một loại thức ăn nào đó cũng bị sốc phản vệ.

 

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khoa học hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 14-15/4 do Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai phối hợp tổ chức… Tại đây, Hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, đang trình Bộ Y tế ban hành phác đồ mới đáp ứng việc điều trị kịp thời khi số bệnh nhân sốc phản vệ ngày càng gia tăng.

Uống 1 viên thuốc, dị ứng một loại thức ăn cũng có thể sốc phản vệ

Theo GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Bạch Mai, số người bị sốc phản vệ ngày càng tăng. Nếu như trước đây, mỗi năm nước ta chỉ phát hiện vài trường hợp thì nay, ngày nào cũng ghi nhận bệnh nhân sốc phản vệ. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Trên thực tế có những bệnh nhân chỉ uống một viên thuốc hoặc bị dị ứng một loại thức ăn nào đó cũng bị sốc phản vệ.

Chia sẻ câu chuyện về một bác sĩ nội trú không may qua đời vì sốc phản vệ, GS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai đã không giấu nổi sự nuối tiếc vì nếu biết, cấp cứu ngay thì vẫn có cơ hội cứu được. “Trường hợp bác sĩ này bị nhiễm lao từ bệnh nhân; mắc bệnh lao nên việc chỉ định dùng thuốc lao là đúng, trong đó có tiêm Streptomycin. Trước đó, bệnh nhân đã được thử test sau một vài phút tiêm không có vấn đề gì. Tuy nhiên, điều dưỡng quay đi làm việc khác quay lại mấy phút thì người bác sĩ này đã ngừng tim, cấp cứu không có tác dụng”- BS Bình kể.

Cái chết đau đớn của người bác sĩ trẻ ấy đã thôi thúc GS Bình cùng đồng nghiệp phổ biến phác đồ mới về cấp cứu sốc phản vệ. Phác đồ này đang được trình lên Bộ Y tế để sớm ban hành.

Điều trị, chăm sóc bệnh nhân sau sốc phản vệ

Gia tăng bệnh nhân sốc phản vệ

Theo GS Bình phác đồ mới này khá đơn giản, dễ áp dụng cho mọi tuyến, bước đầu cho tỷ lệ thành công cao, không có biến chứng. Loại thuốc quan trọng nhất khi cấp cứu sốc phản vệ là adrenalin. Trước đây, thường chỉ bác sĩ mới được chỉ định để điều dưỡng tiêm loại thuốc này- điều này có thể làm chậm trễ thời gian cứu nạn nhân. Với phác đồ mới tất cả nhân viên y tế đều được phép tiêm và chỉ cần tập huấn thời gian rất ngắn. Bởi người gần gũi với bệnh nhân nhất, có thể phát hiện sớm nhất dấu hiệu nguy hiểm chính là điều dưỡng, kỹ thuật viên trong các phòng chiếu chụp.

Đặc biệt, theo phác đồ mới adrenalin được sử dụng liều thấp, dưới dạng tiêm bắp. “ Nếu chẳng may tiêm nhầm cũng không sao, người bệnh có thể hơi hồi hộp, nhưng ngược lại không biết hoặc bỏ sót thì bệnh nhân có thể tử vong. Trước loại thuốc này được tiêm dưới da 1mg, với chỉ định dè dặt vì sợ tác dụng phụ gây tăng huyết áp, loạn nhịp, vỡ tim”- GS Bình thông tin.

Nghiên cứu hơn 150 bệnh nhân được áp dụng phác đồ này cho kết quả khả quan, không có trường hợp nào tử vong. Gần 41% trường hợp hết phản ứng dị ứng, không xuất hiện nặng thành phản vệ. Hơn 59% bệnh nhân khỏi phản vệ. Theo đó, bệnh nhân cần được cấp cứu sốc phản vệ ngay khi thấy dấu hiệu ở da hoặc niêm mạc kèm một trong các dấu hiệu đa dọa tim mạch như: phù lưỡi, họng, nuốt nuốt; khó thở nhanh, có tiếng rít mệt; mạch nhanh, yếu, da lạnh...

Hộp thuốc chống sốc

Được biết, hiện nay tình huống phản vệ quá nhiều, các loại thuốc trong quá trình chẩn đoán điều trị kể cả trong thức ăn hằng ngày cũng đều có thể dẫn đến sốc phản vệ như dị ứng trứng, sữa, cua... Trường hợp nhẹ thấy ngứa, đau bụng, đi ngoài; nặng nữa thì có thể tử vong. Mới đây, vị bác sĩ này cũng gặp một trường hợp bị sốc phản vệ vì dị ứng với dọc mùng. Thấy cô gái có biểu hiện khó thở không chịu nổi, người bán hàng chỉ biết gọi xe ôm đưa đến viện. Tuy nhiên chưa kịp vào viện, bệnh nhân đã bị thiếu ôxy não, ngừng tim; vào viện được cấp cứu giúp tim đập lại nhưng não đã hỏng.

Số người bị sốc phản vệ ngày càng nhiều. Trước đây, mỗi năm, tại Bệnh viện Bạch Mai chỉ gặp vài trường hợp thì nay hầu như ngày nào cũng có người bị sốc phản vệ. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ loại thuốc hoặc hóa chất điều trị nào cũng như xuất phát từ dị ứng thức ăn, hóa mỹ phẩm và do côn trùng đốt. Bệnh có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

GS cũng chia sẻ, nhiều khi nếu bệnh nhân bị sốc phản phản vệ cấp cứu ngay, xử lý trong vòng 10 giây thì 80-90% có thể phát được. Đây là những cái chết hoàn toàn không mong muốn và xảy ra đột ngột, đặc biệt là ở những người khỏe mạnh

Hội thảo khoa học chuyên ngành hồi sức cấp cứu và chống độc diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/4 với 69 báo cáo khoa học về các vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu như sốc phản vệ, lọc máu, hồi sức nhi khoa, hồi sức hô hấp. Bên cạnh những báo cáo đánh giá hiệu quả ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức, còn có cả những báo cáo về công tác chăm sóc toàn diện bệnh nhân về dinh dưỡng, chăm sóc vết thương và an toàn truyền máu


Thái Bình- Đỗ Hằng
Ý kiến của bạn