Lừa gần 4.000 tỷ
Theo bản án sơ thẩm, đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng tại ngân hàng VietinBank, Huỳnh Thị Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ, Như mất khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, Như đã làm giả con dấu của Vietinbank – chi nhánh Nhà Bè và 7 con dấu của các đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 3/2010 – 9/2011, với con dấu giả, lấy danh nghĩa của Vietinbank, Huỳnh Thị Huyền Như đã tự đứng ra thỏa thuận lãi suất vay tiền, lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền...để lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 3.986 tỷ đồng của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân.
Ngày 27/1 vừa qua, kết thúc phiên tòa sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như, các bị cáo còn lại lãnh án từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù. Về phần trách nhiệm dân sự liên quan đến khoản tiền gần 4.000 tỉ đồng bị chiếm đoạt, HĐXX tuyên buộc Huỳnh Thị Huyền Như và các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải liên đới bồi thường.
Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố tiếp 8 đối tượng khác có hành vi giúp Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng của VIB mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự; kiến nghị điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của một số cán bộ ngân hàng, công ty có liên quan và đề nghị tiếp tục xác minh làm rõ hành vi cho vay nặng lãi của một số cá nhân khác chưa được xem xét trong vụ án.
Sau khi tòa tuyên án, 20/23 bị cáo có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét. VKSND TP.HCM cũng có văn bản kháng nghị đề nghị tăng hình phạt với hai bị cáo là Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Dung. Hàng loạt nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng có đơn kháng cáo. Tổng cộng đã có hơn 60 lá đơn gửi đến tòa.
Đây là một trong những vụ án kỷ lục với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, hồ sơ vụ án nặng 300kg phải chụp một tuần liền mới hết, có tổng cộng hơn 70.000 bút lục, bản án dày gần 160 trang với rất nhiều cá nhân, đơn vị được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Vẫn xin trả lại nhà
Mặc dù đã lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng nhưng quá trình điều tra, cơ quan điều tra chỉ thu giữ, kê biên của Như được một số tài sản gồm: 39 tỷ đồng tiền mặt, Như nộp 8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, thu hồi hơn 31 tỷ đồng tiền mà Như đã thanh toán để mua nhà, đất của 5 công ty bất động sản và các tài sản khác.
Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ của nữ "siêu lừa" 3 xe ô tô có tổng trị giá 4,56 tỷ đồng gồm: 1 ô tô 8 chỗ hiệu Lexus LX 570 màu trắng, 1 ô tô 8 chỗ hiệu TOYOTA, ZACE-GL màu ghi xám và 1 ô tô con 4 chỗ hiệu Hoda Civic màu đỏ.
Kê biên 13 bất động sản là căn hộ, nhà xưởng, nhà đất có tổng trị giá 185,33 tỷ đồng. Cụ thể gồm: đất tại tỉnh An Giang, 1 căn hộ Ruby 1 - 3402 trị giá gần 41 tỷ đồng thuộc tòa tháp Ruby 1 Khu dân cư Sài Gòn Pearl số 92 Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), 4 căn hộ Orient Apartment tại số 331 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), 6 căn hộ và 2 biệt thự, 1 villa H2 tại dự án The Nam Hải resort tại Hội An (Quảng Nam) và nhiều bất động sản khác tại TP.HCM và các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Đà Lạt.
Nữ "siêu lừa" cũng bị thu giữ cả những tài sản nhỏ nhặt như giường, tủ, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bếp, lò vi sóng, máy rửa chén...trong các căn hộ và biệt thự có trị giá hơn 512 triệu đồng. Tổng trị giá tất cả các tài sản là 229,4 tỷ đồng.
Mặc dù lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng trong khi các tài sản bị tịch thu và kê biên chỉ hơn 229 tỷ nhưng sau phiên tòa sơ thẩm bị cáo Như vẫn kháng cáo xin lại một trong số các căn nhà đã bị kê biên với lý do “để nuôi con nhỏ”.
Ngoài ra, bị cáo Như cũng kháng cáo đề nghị tòa trả lại villa H2 dự án The Nam Hải resort trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Lang vì cho rằng villa trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Lang (do bà Lang đứng tên). Cùng với kháng cáo của Huyền Như, bà Lang cũng có đơn kiến nghị và được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm ngày mai.