Ngày mai, LHQ bầu chọn 5 quốc gia thành viên không thường trực của HĐBA, Việt Nam là một ứng cử viên

06-06-2019 20:14 | Quốc tế

SKĐS - Ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu ra 5 nước thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 6/6, tại Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết những ưu tiên và thách thức của ngoại giao Việt Nam nếu được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu để bầu ra 5 nước thành viên  không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Sau khi có kết quả chính thức, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên cụ thể của Việt Nam trong nhiệm kỳ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020-2021.

Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, hiện nay Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị về mọi mặt cho việc đảm nhiệm hai vị trí rất quan trọng này.

Sự thành công của các hoạt động chính trị, đối ngoại của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của các tầng lớp nhân dân, do đó công tác tuyền truyền trong mọi tầng lớp nhân dân là rất quan trọng, nhằm nâng cao hiểu biết cũng như nhận thức của người dân về các sự kiện và vai trò của Việt Nam trong các công việc chung của khu vực cũng như trên thế giới.

“Chúng tôi rất mong muốn báo chí trong và ngoài nước cùng đồng hành với Việt Nam trong công tác thông tin tuyên truyền”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Ảnh minh họa

Việt Nam không thực hiện thao túng tiền tệ

Cũng  tại buổi họp báo, bình luận về thông tin cho rằng Hoa Kỳ có thể cáo buộc Việt Nam về việc thao túng tiền tệ và đóng vai trò là nước thứ 3 để trung chuyển hàng hóa Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Chính phủ Việt Nam luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ được quản lý điều hành đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Có thể khẳng định rằng Việt Nam không thực hiện và không có ý định thao túng tiền tệ nhằm dành lợi thế thương mại.

Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp, trao đổi với Bộ Tài chính Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối.

Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian qua, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, thương mại đã có những bước tiến triển rất tích cực. Hợp tác kinh tế, thương mại vừa là trọng tâm vừa là động lực trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.

Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về những vấn đề có thể phát sinh trong quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chính”.

* Liên quan đến thông tin cuối tháng 5 vừa qua, các nghị sỹ Hoa Kỳ đã đưa ra dự thảo về việc Hoa Kỳ sẽ trừng phạt những cá nhân liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:

“Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các bên cần nghiêm túc thực hiện những nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời phải có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.


Hải Yến
Ý kiến của bạn