Ngày 10/8, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục giảm 5-6 USD/thùng so với kỳ trước. Cụ thể, bình quân xăng RON 92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON 92) là 104,9 USD/thùng; xăng RON 95 là 108,92 USD/thùng. Hiện giá dầu thô WTI và Brent vẫn tiếp tục dao động quanh ngưỡng 90-95 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới đã lao dốc mạnh trong những ngày qua do những lo ngại về một cuộc suy thoái đã đè nặng lên triển vọng nhu cầu dầu. Theo dữ liệu của Trading Economics, rạng sáng 10/8, giá dầu Brent tiêu chuẩn dao động quanh mức 95,89 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ đã mất mốc 87 USD/thùng tối ngày 5/8 rồi phục hồi dần lên 90,18 USD/thùng. Tuy nhiên, giá vẫn giảm khoảng 9% sau một tuần và đây là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 - trước thời điểm Nga đổ quân vào Ukraine.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 110,6 USD/thùng xăng RON 92; 114,4 USD/thùng xăng RON 95 và 130,5 USD/thùng dầu diesel.
Như vậy, từ sau kỳ điều hành ngày 1/8, giá dầu thô thế giới liên tục giảm. Do đó, dự báo kỳ điều hành ngày mai, giá xăng sẽ giảm tương ứng khoảng 1.000-1.200 đồng/lít, dầu giảm quanh mức 1.500 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích quỹ bình ổn, giá các mặt hàng xăng dầu có thể giảm ít hơn.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, giá xăng dầu ở kỳ điều hành ngày mai (11/8) sẽ tiếp tục giảm, giá xăng RON 95 sẽ về ngưỡng khoảng 23.500 đồng/lít. Trong chu kỳ 10 ngày qua, thị trường dầu thế giới lao dốc mạnh. Xung đột chính trị thế giới sẽ đến lúc giảm nhiệt, thị trường xăng dầu vì thế cũng sẽ bình ổn theo. Dự báo với đà sản xuất và tiêu dùng hiện nay, giá xăng sẽ ổn định ở mức khoảng 110-115 USD/thùng.
Giá dầu đã gặp sức ép lớn từ các số liệu tiêu cực của các nền kinh tế lớn trên thế giới bao gồm Mỹ, Trung Quốc, khu vực Liên minh Châu Âu (EU) và cả các quốc gia phát triển khác như Nhật, Hàn Quốc. Hoạt động sản xuất ở các khu vực này, phản ánh qua chỉ số Quản lý thu mua (PMI) đều suy yếu trong tháng 7, làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tiêu thụ ở Mỹ đang thực sự sụt giảm, khi mà tồn kho dầu thô thương mại trong tuần kết thúc ngày 31/7 tăng 4,5 triệu thùng.
Tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm, và thấp hơn so với mức trung bình của 4 tuần gần nhất, cộng hưởng với việc xuất khẩu dầu của Mỹ cũng suy yếu cho thấy nhu cầu tiêu thụ của thế giới cũng đang kém đi.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung được kỳ vọng sẽ cải thiện khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) quyết định sẽ tăng sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Sức ép kép nói trên là những yếu tố khiến cho giá dầu thô WTI đánh mất mốc 90 USD và giá dầu Brent cũng khó có thể tìm về mốc 100 USD.
Trong khi đó, triển vọng tiêu thụ năng lượng đang liên tục xấu đi, trước các tác động của việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới thắt chặt tiền tệ.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tuần trước, mức tăng lớn nhất trong vòng 27 năm. Làn sóng tăng lãi suất trên toàn cầu hiện đang khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về việc nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ bị giảm vì nền kinh tế tăng trưởng kém đi.
Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/8, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã giảm 450 đồng/lít, còn 24.620 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít, còn 25.600 đồng/lít. Ngày 8/8, Chính phủ đồng ý giảm một nửa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% về còn 10%.
Do hiện nay phần lớn xăng nhập khẩu về Việt Nam là từ ASEAN và Hàn Quốc, nên việc giảm thuế nhập khẩu MFN có thể không làm giảm giá xăng trong nước. Tuy nhiên, việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay.
Sau 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường vào tháng 4 và 7, hiện thuế trong giá xăng chiếm khoảng 19,4-22% (với xăng E5 RON 92 hoặc RON 95-III) và 11,05% (với dầu diesel).
Tuy nhiên có một điều đáng lo ngại, giá xăng dầu tăng thì hàng hóa "té nước theo mưa", song khi mặt hàng này đi xuống thì đa phần hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đứng yên. Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, việc điều chỉnh giá hàng hóa không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Giá xăng dầu giảm vừa qua chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1-2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường.
Mặt khác, theo TS. Thịnh, nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc "té nước theo mưa". Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 10/8: Rúng động nghi phạm có dấu hiệu tâm thần gây án lúc rạng sáng rồi trốn lên đồi keo | SKĐS