Ngày mai bình yên nối sóng Hãy nói lời yêu
Phim truyền hình ăn khách Hãy nói lời yêu vừa khép lại và đem đến cái kết ngọt ngào, nhân văn, được nhiều khán giả đánh giá cao.
Trailer phim Ngày mai bình yên.
Nối sóng bộ phim truyền hình Hãy nói lời yêu chính là Ngày mai bình yên (10 tập) của NSƯT Vũ Trường Khoa và NSƯT Hoàng Tích Thiện. Những thông tin mới nhất về Ngày mai bình yên vừa được nhà sản xuất hé lộ, trong đó nội dung phim sẽ thể hiện một lát cắt về COVID-19 bằng ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy.
Theo NSƯT Vũ Trường Khoa, kịch bản Ngày mai bình yên do biên kịch Lại Phương Thảo - Diệu Linh - Phượng Diễm chắp bút, được lên ý tưởng trong thời gian Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Phim có sự tái xuất của NSND Trung Hiếu sau thời gian dài không xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, cùng NSND Quốc Trị, NSƯT Tiến Minh, nghệ sĩ Thúy Hà, Kiều Anh, Kiều My, Quang Trọng, Tố Uyên...
Trong phim Ngày mai bình yên, NSND Trung Hiếu vào vai chính tên Phát. Chuyện phim xoay quanh chuyện nhà ông Phát, chủ một công ty xây dựng, trong thời gian cả gia đình phải hạn chế ra đường để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Từ khi ở nhà gần như cả ngày với vợ con, ông Phát mới nhận thấy nhiều điều rắc rối xảy ra vì gia đình khá đông thành viên thuộc nhiều thế hệ. Việc Trà - cô con gái lớn mất việc ở công ty du lịch, trong khi Mai Khôi - đứa út ở độ tuổi mới lớn phải ở nhà học trực tuyến cũng khiến gia đình gặp nhiều xáo trộn.
Mọi chuyện rắc rối hơn khi bố và em trai ông Phát từ quê lên và bị mắc kẹt lại bởi quy định giãn cách xã hội. Vừa đau đầu với chuyện nhà, vừa phải căng mình duy trì hoạt động của công ty để trả lương cho nhân viên, ông Phát muốn khủng hoảng tinh thần.
Tuy nhiên, xem bộ phim này, khán giả cũng sẽ thấy trong quãng thời gian khó khăn mà rất nhiều người đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các thành viên trong gia đình ông Phát đã mở lòng với nhau hơn, có cơ hội nhìn thấu được tình cảm của nhau, nhận ra giá trị của tình yêu, của tình người ấm áp.
Đem đến một lát cắt về dịch COVID-19, Ngày mai bình yên không những đề cao giá trị tình cảm gia đình mà còn ca ngợi tình người ấp áp trong mùa dịch bệnh thông qua những câu chuyện xúc động về những người phụ nữ chung tay nấu suất ăn thiện nguyện mang cho lực lượng chống dịch tuyến đầu, những người công nhân tình nguyện giảm lương, sự giúp đỡ chân tình của những người hàng xóm trong khu phố…
Thông qua những tình huống đời thường, gần gũi, bộ phim Ngày mai bình yên truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người biết cách sẻ chia, đồng lòng trong mùa dịch bệnh thì chắc chắn những ngày giông bão sẽ qua và ngày mai bình yên sẽ tới.
Khó khăn và kỳ vọng Ngày mai bình yên
Đạo diễn Vũ Trường Khoa chia sẻ rằng, để thực hiện bộ phim Ngày mai bình yên trong khoảng thời gian này khá áp lực. Ngoài vấn đề thời gian còn là tiến độ sản xuất, dàn dựng, bối cảnh quay trong lúc Hà Nội có nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch COVID-19.
Tuy nhiên áp lực lớn nhất đối với ê-kíp thực hiện bộ phim này chính là thời gian. Đạo diễn Vũ Trường Khoa cho biết, đoàn làm phim vừa phải hoàn thành kịp với nội dung vừa đảm bảo tính giải trí khi người người nhà nhà đang thực hiện giãn cách, ở nhà xem phim…, lại phải đảm bảo được tính tuyên truyền tới người dân, nâng cao công tác phòng chống dịch.
Chính vì vừa mang tính giải trí nhưng lại khoác chiếc áo tuyên truyền phòng, chống COVID-19 nên khán giả đang háo hức thưởng thức tác phẩm này. Nhiều người cũng mong muốn Ngày mai bình yên sẽ là tác phẩm "mở màn" cho các nhà sản xuất, đạo diễn khai thác những câu chuyện, lát cắt về đại dịch COVID-19 để đưa lên màn ảnh nhỏ.
Thực tế, đề tài này thời gian qua nghệ thuật thứ bảy ở nước ta gần như bỏ ngỏ. Tác phẩm tuyên truyền về dịch COVID-19 đầu tiên ở nước ta là Những ngày không quên của đạo diễn Danh Dũng, đã công chiếu cách đây hơn 1 năm trên VTV1. Chưa kể, Những ngày không quên là bản "mashup" của các phim ăn khách gồm: Về nhà đi con, Cô gái nhà người ta.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Á hậu Phương Anh trổ tài nói tiếng Nhật.