Theo Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya, ngày 20/10/2011, lãnh đạo bị lật đổ - đại tá Mouammar Kaddafi vừa bị tử thương gần thành phố Syrte. Ông bị thương rất nặng ở đầu, chân và đã qua đời ngay sau khi bị bắt. Phát ngôn viên chính thức của Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya Abdel Hafez Ghoga tuyên bố: “Libya thông báo với toàn thế giới là phe nổi dậy đã triệt hạ được Kaddafi và đây là giờ phút lịch sử chấm dứt chế độ độc tài”.
![]() Người dân Libya đổ xuống đường ăn mừng. |
Ông Kadhafi bị tử thương gần thành phố Syrte. Đây là quê hương của ông và được coi là thành trì cuối cùng của phe Kadhafi. Syrte cách thủ đô Tripoli 360km về phía Đông. Vẫn theo nguồn tin từ phía Bộ Tư lệnh, cựu lãnh đạo Libya bị thương trong một đợt oanh kích do liên quân NATO tiến hành vào lúc ông đang chạy trốn khỏi Syrte khi hay tin thành phố này rơi vào tay Hội đồng Quốc gia Lâm thời Libya CNT. Đài Al-Jazeera đưa tin rằng, xác ông Gaddafi được để trong một giáo đường Hồi giáo tại Misrata. Các đài truyền hình khu vực cũng chiếu hình ảnh xác ông Gaddafi đẫm máu bị kéo trên đường phố Sirte trước khi được chuyển về Misrata. |
Ông Gaddafi là một người thao túng chính trị có kỹ năng, dùng các bộ lạc chống lại lẫn nhau và chống lại các cơ quan Nhà nước hoặc các chính thể. Ông cũng phát triển một sự sùng bái cá nhân khá mạnh. Sự cai trị của ông dần dần đã trở nên có đặc tính bảo trợ và kiểm soát chặt chẽ của một Nhà nước cảnh sát. Giai đoạn tồi tệ nhất tại đất nước Libya có lẽ là những năm 1980, khi đại tá Gaddafi thử nghiệm với người dân các lý thuyết xã hội của ông. Một phần trong "cuộc cách mạng văn hóa" của ông là cấm tất cả các doanh nghiệp tư nhân hoạt động và sách vở không lành mạnh thì bị đốt cháy. Ông cũng đã ra lệnh ám sát những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Tự do ngôn luận và lập hội hoàn toàn bị dẹp bỏ, ngoài ra còn vô số những hành vi đàn áp bạo lực khác. Những việc này được theo sau là một thập kỷ cô lập của phương Tây sau khi vụ đánh bom Lockerbie. Đối với người dân Libya chỉ trích đại tá Gaddafi, tội ác lớn nhất của ông có thể là việc đã chiếm dụng và phung phí tiền của vào các chuyến đi nước ngoài và chuyện tham nhũng. Với dân số chỉ có 6 triệu người và các khoản thu nhập từ dầu lửa hằng năm tới 32 tỷ USD trong năm 2010, tiềm năng của Libya là rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết người dân Lybia không được hưởng sự giàu có của đất nước mình. Điều kiện sống tương tự các nước nghèo nhất thế giới. Tình trạng thiếu công ăn việc làm bên ngoài Chính phủ (có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp) được ước tính là 30% hoặc nhiều hơn. Hình thức chủ nghĩa xã hội đặc biệt của Libya cung cấp miễn phí giáo dục, y tế và trợ cấp nhà ở cũng như giao thông vận tải được bao cấp nhưng mức lương rất thấp và sự giàu có của Nhà nước cũng như lợi nhuận từ đầu tư nước ngoài chỉ đem lại lợi lộc cho một tầng lớp thượng lưu nhỏ.
Có lẽ vì vậy mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói: “Cái chết của ông Gaddafi đã mở ra một cuộc chuyển giao lịch sử cho Libya. Con đường phía trước cho Liyba và nhân dân nước này sẽ khó khăn và đầy thách thức. Nhưng nay là lúc để tất cả người dân Libya hòa kết với nhau”.
Thanh Trà (Theo CNN, BBC)