Halloween diễn ra vào ngày 31/10 hàng năm gần như nằm chính giữa điểm thu phân (tháng 9) và đông chí (tháng 12) ở Bắc Bán Cầu. Trong thiên văn học truyền thống, một năm gồm tám phần được phân chia dựa trên hai điểm phân, hai điểm chí và bốn ngày thập tứ. Hiện nay, bốn ngày thập tứ được xác định gồm: Ngày Chuột Chũi (2/2), Ngày Quốc tế Lao động (1/5), ngày Lammas (1/8) và ngày lễ Halloween (31/10).
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, lễ Halloween xuất phát từ một lễ hội truyền thống của người Celt - nhóm nền văn hóa đặc trưng của châu Âu và lan rộng ở khu vực này cách đây hơn 2000 năm. Về mặt văn hóa, nó mang những đặc trưng của lễ hội truyền thống này tới tận ngày nay.
Như chúng ta đã biết, 4 mốc lớn để phân chia các mùa hàng năm là 2 ngày phân và 2 ngày chí. Đối với phương Tây, 4 ngày này là điểm khởi đầu của các mùa, chính xác hơn thì nó là 4 thời điểm cụ thể mà nếu rơi vào ngày nào thì ngày đó được tính tương ứng. Trong khi đó, với phương Đông thì các ngày phân và chí thực ra là ngày khởi đầu của các tiết khí tương ứng, và được tính là giữa mùa.
Với quan điểm về sự bắt đầu của các mùa như vừa nêu, ở một số nền văn hóa châu Âu, người ta đặt thêm các ngày nằm giữa các ngày phân và chí này. Trong khi các ngày phân và chí được gọi chung (trong tiếng Anh) là "quater day" (ngày phần tư, ý là nó bắt đầu cho những phần tư của năm) thì những ngày nằm giữa này là "cross-quarter day" - ngày chéo phần từ, sau đây sẽ dịch là "ngày giao mùa" vì nó ám chỉ khoảng thời gian chuyển giao giữa hai mùa, khi một mùa đang kết thúc và mùa mới sắp bắt đầu.
Trong khi các ngày phân là Mặt Trời nằm ở điểm giao của Hoàng đạo và xích đạo trời còn các ngày chí là khi Mặt Trời đi lên cao nhất về phía Bắc hoặc phía Nam, thì các ngày giao mùa là những điểm nằm giữa những cái mốc đó.
Theo thiên văn học, nếu tính toán một cách chính xác thì các ngày đó phải là (có thể lệch 1 ngày tùy theo năm): 4/2, 6/5, 7/8 và 7/11. Những ngày này chính là ngày khởi đầu của các tiết Lập xuân, Lập hạ, Lập thu và Lập đông trong lịch tiết khí của phương Đông. Ở một số khu vực thuộc châu Âu, cách tính mùa cũng dựa trên những mốc này, mặc dù không phổ biến như việc coi ngày phân hoặc ngày chí mới là bắt đầu của mùa.
Do yếu tố văn hóa, những ngày này đã được hiệu chỉnh để khớp với các lễ hội của phương Tây bao gồm: Groundhog Day (2/2), May Day (1/5), Lammas (1/8) và Halloween (31/10).
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết, về mặt thiên văn học cũng như quan sát trực tiếp, thì 31/10 - ngày giao mùa cuối cùng trong năm là thời điểm đáp ứng được hai điều: đêm dài hơn ngày và thời gian trong năm đang tiến tới về phía làm cho đêm dài dần ra (cho tới đông chí là đêm dài nhất nhưng sau đó nó bắt đầu ngắn lại) - tương ứng với vị trí biểu kiến của Mặt Trời trên bầu trời ngày càng dịch về phía Nam.
Chính việc đó liên kết với ý tưởng về đêm Halloween khi những linh hồn ma quỷ xuất hiện khắp nơi, trước khi tất cả cùng biến mất vào sáng hôm sau, 1/11(được gọi là All Hallows hoặc All Saints' Day).
Một mối liên hệ nữa tới thiên văn của đêm Halloween là cụm sao Pleiades (M45 - một cụm sao mà bạn rất dễ dàng tìm thấy trên bầu trời mùa đông nếu không quá nhiều mây và ô nhiễm). Người Celt coi cụm sao này gắn liền với sự ra đi của những người quanh mình, và có lẽ vì thế mà họ liên tưởng ngày lễ này tới việc cụm sao này (gần như) nằm trên đỉnh đầu lúc nửa đêm Halloween.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nối đuôi bão Trà Mi, bão Kong-rey mạnh cấp 12-13 đang hướng về phía Đài Loan | SKĐS