Ngày lạnh phục hồi cho người mắc bệnh xương khớp ra sao?

14-12-2017 14:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Miền Bắc đang ở trong những ngày mưa phùn, rét buốt đặc biệt vào sáng sớm và ban đêm. Người mắc bệnh khớp thường đau nặng hơn khi trời lạnh và thời tiết thay đổi. Chăm sóc sức khoẻ cho người mắc bệnh khớp như thế nào trong mùa lạnh? Luyện tập phục hồi cho người mắc các bệnh xương khớp ra sao? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn Th.s. BS. Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An.

PV: Thưa bác sĩ, vào những ngày thời tiết rét buốt, người mắc bệnh xương khớp thực sự là rất khổ, đau nhức khó chịu. Vì sao, khi thời tiết chuyển mùa hay vào những ngày rét buốt người mắc các bệnh xương khớp lại bị những cơn đau hành hạ như vậy?

Th.s Thái Thị Xuân: Thời tiết thay đổi hay giao mùa là do tác động của áp suất khí quyển. Bình thường, áp suất khí quyển cao sẽ đẩy từ bên  ngoài vào cơ thể khiến cho các mô không nở rộng ra được. Khi thời tiết xấu, áp suất khí quyển giảm xuống, các mô nở ra tạo áp lực cho các khớp. Đặc biệt đối với những bệnh nhân mạn tính, dây thần kinh có thể nhạy cảm hơn.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời tiết lạnh khiến độ kết dính niêm dịch của khớp tăng lên, khớp hoạt động khó khăn, từ đó, bệnh nhân thoái hóa khớp dễ bị đau nhức nhiều hơn. Ngoài ra, nếu độ ẩm tăng cao do mưa phùn thì các gân cơ có thể co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn và gây đau mỏi, cứng khớp, khó cử động. Đó chính là lý do, khi thời tiết lạnh số người mắc các bệnh xương khớp tăng vọt, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và công việc.

Th.s Thái Thị Xuân hướng dẫn và đào tạo cho cán bộ BV Phục hồi chức năng Nghệ An

PV: Các bệnh xương, khớp không ảnh hưởng đến tính mạng ngay nhưng những cơn đau hành hành hạ “khó nói thành lời” làm ảnh hưởng đến tinh thần, công việc rất nhiều. Và đáng lo ngại, các bệnh xương khớp không chỉ còn “của riêng” người cao tuổi mà người trẻ bây giờ mắc cũng nhiều?

Th.s Thái Thị Xuân: Đúng vậy, giờ các bệnh xương khớp không phải chỉ là bệnh người già. Các căn bệnh thời đại như bệnh tim hay bệnh phổi sẽ vượt xa những bệnh lý khác như cơ xương khớp, nhưng tại  nước ta, theo báo cáo nghiên cứu "Già hóa dân số và người cao tuổi" năm 2011 thống kê thì tỷ lệ này đã gia tăng ngang với bệnh tim và bệnh phổi mạn tính. Báo cáo đồng thời còn khẳng định bệnh có xu hướng trẻ hóa khi có đến 30% người ở độ tuổi trên 35 bị thoái hóa khớp, tăng dần lên 60% ở nhóm tuổi 65 và mức báo động 85% ở độ tuổi trên 80.

Theo các chuyên gia cơ xương khớp, nhìn chung bệnh lý cơ xương khớp có tỷ lệ ngày một tăng nhưng có một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như người làm việc nặng, người làm việc văn phòng, người béo phì và tỷ lệ nữ mắc bệnh lý này thường cao hơn nam. Thậm chí, những người lái xe máy thường xuyên (như chạy grab, uber, xe ôm) cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh lý cơ xương khớp.

Yếu tố thời tiết cũng làm bệnh lý cơ xương khớp thêm trầm trọng. Nếu miền Bắc có những mùa lạnh, trời nồm đặc trưng thì miền Nam cũng có những mùa mưa kéo dài tiết trời ẩm thấp, lạnh khiến người mắc bệnh lý cơ xương khớp rất khó khăn khi vận động, ảnh hưởng tâm sinh lý người bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống đáng kể.

Một trong những lý do đó là tỷ lệ người mắc bệnh lý này ngày càng cao, trẻ hóa, khả năng mắc bệnh cao do béo phì, loãng xương do chế độ dinh dưỡng hay do lối sống ít vận động…

Thầy thuốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An hướng dẫn người bệnh luyện tập phục hồi

PV: Nếu không may mắc phải các bệnh xương khớp, bác sĩ đưa ra lời khuyên như thế nào cho người bệnh?

Th.s Thái Thị Xuân: Người Việt chúng ta hiện nay chưa có thói quen khám bệnh định kỳ mà hay “chọn mặt gửi vàng” tìm đến nhà thuốc để mua thuốc uống khi có dấu hiệu bất ổn với cơ thể. Và có thể nói rất ít người từ độ tuổi 30 trở lên có kiến thức căn bản về cách nhận biết cũng như phối hợp với cán bộ y tế để được điều trị tốt nhất khi bệnh còn trong giai đoạn khởi phát. Do đó, người dân cần có thói quen đến các cơ sở y tế kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Người mắc các bệnh xương, khớp cần vận động hợp lý, tập thể dục giúp bôi trơn các khớp xương để ngăn chặn cơn đau và đây cũng là biện pháp để phòng ngừa các bệnh ở cơ quan vận động của cơ thể. Chỉ cần 30 phút thể dục đều đặn mỗi ngày, sẽ có tác dụng rất tốt giúp tăng cường sức sống ở các tế bào xương, khả năng vận động tại các khớp. Tuy nhiên, vì là mùa lạnh nên ngay cả khi vận động, bệnh nhân mắc các bệnh xương khớp vẫn luôn phải giữ ấm cơ thể, nhất là với người cao tuổi.

Đối với các bệnh lý về xương khớp, kể cả bệnh nhân phải phẫu thuật hay không phẫu thuật thì việc tập luyện, phục hồi chức năng hết sức quan trọng. Bệnh được cải thiện phụ thuộc nhiều vào quá trình luyện tập, phục hồi chức năng với nhiều giai đoạn, kéo dài nhiều tháng tùy theo nhu cầu vận động của bệnh nhân.

Tốt nhất, việc phục hồi cần có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ bác sĩ phục hồi chức năng.

Ngay sau giai đoạn viêm cấp, người mắc bệnh lý về xương khớp cần tập vận động càng sớm càng tốt. Từ tập thụ động chuyển sang tập chủ động, xen kẽ thời gian tập và thời gian nghỉ để các khớp thích nghi dần. Đây là biện pháp hữu hiệu chống teo cơ, cứng khớp hay dính khớp, bảo vệ và duy trì chức năng vận động của khớp. Đối với bệnh thoái hóa khớp gối, khi vận động nên tránh làm tăng chịu lực lên khớp gối, tránh các tư thế gấp gối quá mức, đi bộ ngắn, đường bằng phẳng hạn chế lên xuống cầu thang, tập khớp gối mà chủ yếu không để khớp gối chịu lực.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ


Hồng Sơn
Ý kiến của bạn