Ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Dành nhiều thời gian thảo luận và xây dựng luật

24-05-2017 08:10 | Thời sự

SKĐS - Ngày 23/5, buổi sáng, Quốc hội nghe UBTV Quốc hội trình, sau đó thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018...

Ngày 23/5, buổi sáng, Quốc hội nghe UBTV Quốc hội trình, sau đó thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại phiên họp, PV báo SK&ĐS đã có các cuộc trao đổi với đại biểu của các đoàn đại biểu xung quanh một số vấn đề thời sự được nhiều cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh:

“Vấn đề ATTP, ngoài giám sát của Quốc hội trên nghị trường thì phải tạo chuyển động trong cuộc sống”

Năm 2016, Quốc hội đã quyết định giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP giai đoạn 2011-2016”; Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai Chương trình phối hợp về vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2021. Theo thống kê, tính từ 18/12/2016 đến 17/3/2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 21 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 641 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong. Đáng lưu ý là từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ ngộ độc rượu (methanol) với số nạn nhân lên đến hàng trăm người như vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng ở Lai Châu ngày 13/2 đã làm hơn 80 người nhập viện, trong đó 9 trường hợp tử vong; vụ ngộ độc ở Hà Giang đã làm 86 người phải nhập viện; vụ ngộ độc rượu tại Hà Nội ngày 9/3 đã làm 7 sinh viên rơi vào tình trạng nguy kịch. Vì vậy, vấn đề ATTP ngoài giám sát của Quốc hội trên nghị trường thì phải tạo chuyển động trong cuộc sống, trong các chủ trương chính sách và các giải pháp để người dân được hưởng lợi từ các nội dung này, để người dân yên tâm hơn trong quá trình kiểm tra giám sát và quản lý nhà nước trên các phương diện này.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng - Đoàn ĐBQH Hải Dương:

“Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững”

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 và trong Báo cáo của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV sáng ngày 22/5, Chính phủ nhất quán chủ trương phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017 nêu rõ, trong 13 chỉ tiêu của năm 2016 thì có 11/13 chỉ tiêu là đạt và vượt kế hoạch và 2 chỉ tiêu còn lại là xấp xỉ đạt kế hoạch, như vậy đây là một thắng lợi rất quan trọng. Năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016-2020. Do đó, chúng ta phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đề ra cho năm 2017 nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà Trung ương Đảng và Quốc hội đã đề ra. Để đạt mục tiêu đề ra, các bộ trưởng, trưởng ngành, theo lĩnh vực công tác được phân công, tập trung chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp phù hợp, phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra cho từng ngành, lĩnh vực. Đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội:

“Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu”

Báo cáo của Chính phủ, đặc biệt là báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp nổi lên một số vấn đề mà người dân rất quan tâm. Nội dung thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân, trong đó có điểm nhấn liên quan vấn đề quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, chặt phá rừng, khai thác cát trái phép... Có thể thấy có những kiến nghị đã xuất hiện tại các kỳ họp trước. Tôi nhận thấy Chính phủ có sự nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên có những vấn đề rất khó, việc giải quyết cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, nên tuy bước đầu có kết quả nhưng về thời gian là chưa dứt điểm được.

Thống kê cho thấy, từ ngày 13/3 đến 11/5/2017, có 94 bài báo phản ánh về nạn khai thác cát trái phép và 42 bài báo phản ánh về nạn phá rừng trái phép ở nhiều địa phương được đăng tải... Do đó, cử tri mong những vấn đề như khai thác cát trái phép được giải quyết dứt điểm. Hay như việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu liên quan các dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đặt biệt là vấn đề bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Những nội dung này cũng sẽ được đề cập trong báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri. Theo đó, để giải quyết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Lâu nay việc thanh kiểm tra thường được tiến hành khi có vấn đề xảy ra, nhưng giờ cần tăng cường để răn đe, phòng ngừa cũng như đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn