Chống xâm phạm ANQG, TTATXH trên không gian mạng
Qua thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay, đa số ĐBQH thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật An ninh mạng trong bối cảnh hiện nay nhằm đảm bảo ANQG, TTATXH trên không gian mạng. ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cho biết, thực tiễn cho thấy, trong những năm gần đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội. Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để hoạt động xâm phạm ANQG và TTATXH như tuyên truyền chống phá Nhà nước, kích động biểu tình, bạo loạn, phá rối ANTT, hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật Nhà nước… Hay gần đây nổi lên các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua mạng. Cao hơn là tấn công mạng, chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng và chiến tranh mạng. Đã xảy ra nhiều vụ để lại hậu quả hết sức nặng nề.
ĐBQH Bùi Mậu Quân (Hải Dương) phát biểu tại phiên họp sáng 29/5.
Những vấn đề này là một thực trạng hết sức bức xúc, nhức nhối và đang diễn ra nhưng việc xử lý còn bị động, lúng túng, kém hiệu quả vì hệ thống pháp luật của ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý, nhất là chưa có hành lang pháp lý để ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả những hành vi xâm phạm ANQG, TTATXH, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng.
ĐBQH Bùi Mậu Quân lấy ví dụ về vụ tin tặc tấn công chiếm quyền điều khiển của hệ thống máy chủ hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam airlines), thay đổi nội dung và đưa ra các thông báo trên hệ thống màn hình hiển thị của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngày 29/7/2016. Hậu quả đã làm chậm gần 100 chuyến bay, hệ thống gần 100 máy chủ bị phá hoại, không thể truy cập…
“Chúng ta thử hình dung xem nếu hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc gia, hệ thống tài chính, ngân hàng, các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ bị tấn công, chiếm quyền điều khiển hoặc bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào? Vì vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng nhằm quy định các hoạt động bảo vệ ANQG, TTATXH trên không gian mạng là hết sức cần thiết, phù hợp và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn”, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) khẳng định ANQG là vấn đề vô cùng quan trọng, được quy định tại Điều 11 của Hiến pháp, bảo vệ ANQG là trách nhiệm rất cao cả, tinh thần đó không chỉ tồn tại ở luật này mà còn tồn tại ở các luật khác như Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Hình sự…
“Mục đích chính của luật này nhằm chống tội phạm xâm phạm ANQG, chống sử dụng hạ tầng không gian mạng và các thao tác khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để chống phá, xâm phạm chủ quyền ANQG. Luật An ninh mạng được ban hành nhằm lấp khoảng trống mà Luật An toàn thông tin mạng chưa khắc phục được”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhận định.
Yêu cầu Facebook, Google… lưu trữ dữ liệu, đặt văn phòng tại Việt Nam là phù hợp
Cũng qua thảo luận dự thảo Luật An ninh mạng, nội dung được nhiều ĐBQH khác băn khoăn là tại Điều 26 dự thảo luật có quy định: Cơ quan, tổ chức ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng liên quan đến ANQG; đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo một số ĐBQH, không gian mạng là không gian mở nên việc yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng như Google, Facebook… phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam cần phải cân nhắc thêm. Tuy nhiên, đa số ĐBQH khác cho rằng, quy định này là phù hợp và cần thiết nhằm đảm bảo an ninh mạng, an ninh quốc gia và cũng không trái với thông lệ quốc tế. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu phân tích, Luật Thương mại, Luật Ngoại Thương được Quốc hội thông qua, đặc biệt là Nghị định 28 năm 2018 của Chính phủ quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đều phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
“Doanh nghiệp viễn thông cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực khác đặt văn phòng đại diện là nguyên tắc, tại sao các doanh nghiệp khác đều phải đặt văn phòng đại diện còn doanh nghiệp viễn thông, thông tin lại không phải đặt? Hơn nữa, về thông lệ quốc tế, hiện Facebook đã đặt văn phòng đại diện ở 70 nơi; Google cũng tương tự như vậy. Thực tiễn là đã có 18 nước đã quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước như vậy và phải thực hiện… Như vậy, từ góc độ pháp luật của Việt Nam, thực tiễn của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế thì chúng ta thấy quy định này là có lý và có thể thực hiện được”, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Đồng quan điểm, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng tán thành với quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng của nước ngoài phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam như trong dự thảo Luật An ninh mạng. Theo ĐB Thưởng, quy định như trên sẽ hữu ích nếu thực hiện được nhằm kiểm soát dữ liệu người dùng, phục vụ điều tra, ngăn chặn, phòng chống tội phạm, chống xuyên tạc, phản động.
Trao đổi với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ có 4 nhóm vấn đề.
Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông, đầu tư theo hình thức BOT. Trách nhiệm trả lời chính nhóm vấn đề này là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Nhóm vấn đề thứ 2 là các nội dung về công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long. Trách nhiệm trả lời chính về nhóm chất vấn này là của Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Nhóm vấn đề thứ 3 là thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của giáo viên và học sinh trong nhà trường. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trả lời chính.
Nhóm vấn đề thứ 4 là thực trạng thị trường lao động ở nước ta, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; thực trạng hoạt động dạy nghề của doanh nghiệp; dạy nghề theo nhu cầu của xã hội, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Trách nhiệm trả lời chính về nhóm chất vấn này là Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Ngoài trách nhiệm trả lời chất vấn chính của 4 Bộ trưởng nêu trên, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn. Theo chương trình dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 diễn ra trong các ngày 4, 5 và 6/6.
A.T