Ngày làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII: Phát triển KT-XH cần những giải pháp đột phá

24-03-2016 22:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 24/3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2015...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ngày 24/3, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Nông nghiệp đang đối mặt với thách thức kép

Nhiều đại biểu (ĐB) đánh giá, cái được lớn nhất của 5 năm qua là ứng phó với những bất ổn. Ngay sau khi Đại hội Đảng XI đã ban hành Nghị quyết về siết chặt chi tiêu, ổn định vĩ mô, đó là quyết định đúng đắn. Việc thực hiện 3 đột phá chiến lược có nhiều kết quả, nhất là đầu tư về hạ tầng, tăng được sức cạnh tranh. Tuy nhiên, tình hình thực tế hiện nay vẫn còn quá nhiều yếu kém, đòi hỏi trong 5 năm tới phải có những giải pháp đột phá. Theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), thử thách trong 5 năm tới là phải tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình. Bởi nông nghiệp hiện nay đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường, đó là thách thức kép, liệu chúng ta có vượt qua được không? Thách thức lớn thứ 2 là hội nhập quốc tế, đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức, có tận dụng được cơ hội hay không là thách thức lớn. Với bất ổn lớn trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với 2 tốc độ khác nhau: đầu tư có vốn nước ngoài - FDI và trong nước. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này thì nền kinh tế rất bất ổn, bởi dù có hội nhập thế nào đi nữa thì nội lực vẫn phải là quyết định, là doanh nghiệp trong nước. Không một nền kinh tế nào vững mạnh nếu nhờ FDI. “Chúng ta đang có nguy cơ mất phân phối nội địa. Ai nắm phân phối, người đó chi phối sản xuất. Các doanh nghiệp phân phối trong nước đang phải chạy đua giành giật”, ĐB Lịch chỉ rõ.

Nhiều vấn đề về kế hoạch phát triển KT-XH được đưa ra thảo luận tại tổ ĐBQH TP.HCM.

Đồng tình với thách thức kép trong 5 năm tới trong lĩnh vực nông nghiệp mà ĐB Trần Du Lịch chỉ ra, ĐB Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao đã có chủ trương, chính sách, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay đòi hỏi chúng ta phải cấp bách triển khai nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Phải có giải pháp mạnh mẽ, đột phá để giải quyết. Cơ chế chính sách đã có, còn lại là vấn đề kỹ thuật, đầu tư nguồn lực. Với đội ngũ của chúng ta hiện nay, cộng thêm cơ chế, huy động nguồn lực là điều chúng ta hoàn toàn làm được kể cả trong vấn đề giống, chế biến, bảo quản... Ngoài ra, rất nhiều đối tác quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình hình nợ công

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, báo cáo KT-XH đề cập chưa sâu sắc vấn đề khoảng cách giàu nghèo, phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, cần nói rõ hơn về thách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó có chiến lược phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền. ĐB Võ Thị Dung cho rằng nhiệm vụ sống còn của sự phát triển KT-XH đó là vấn đề cải cách hành chính, tinh giản bộ máy. Bộ máy cồng kềnh thì không thể giảm chi thường xuyên, giảm nợ công. Chính phủ nên mạnh dạn giao cho các địa phương chủ động trong tinh giản, không như hiện nay địa phương muốn tinh giản nhưng phải xin ý kiến bộ. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế... đó đều là những thách thức lớn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề nợ công, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) băn khoăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn. Về các giải pháp trong thời gian tới, phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và biến đổi khí hậu gay gắt. Thứ nhất về hoàn thiện thể chế, chúng ta đang tập trung cho kinh tế thị trường mà thiếu đi vấn đề thể chế về mặt an dân, theo đó phải lo vấn đề an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông (còn đáng sợ hơn khủng bố), chống buôn lậu, hàng giả. Thứ hai, tái cơ cấu nông nghiệp phải hiệu quả trong bối cảnh gia nhập TPP, biến đổi khí hậu. Thứ ba, về đầu tư phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài. Muốn thu hút được vốn dân doanh, phải làm mạnh cải cách hành chính, tái cấu trúc thị trường tài chính, môi trường đầu tư minh bạch...

Về bài toán tinh giản biên chế hiện nay, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, để giảm bớt số cán bộ trung gian cần thể chế hóa một số chức danh, hạn chế số cán bộ trung gian, làm phong trào; coi trọng thực sự những người có chuyên môn với mức lương cao. Cùng với đó chống tham nhũng hiệu quả, cần dám đánh giá đằng sau các dự án lớn là bóng dáng các quan lớn có cổ phần, kể cả những dự án đình chùa miếu mạo. Cần tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực, coi trọng việc chống tội phạm tham nhũng.

Cũng trong ngày 24/3, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin và thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Tiếp cận thông tin.


Anh Tuấn - Hoàng Dương
Ý kiến của bạn