Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ 2 thành viên Chính phủ

25-10-2017 07:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 25/10/2017, Quốc hội làm việc ở hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quy hoạch.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự án Luật An ninh mạng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật An ninh mạng.

Theo chương trình kỳ họp, trong chiều 25/10, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Chiều 26/10 Trưởng ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ.

Trước đó, ngày 24/10, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Liên quan đến kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018. Bên lề hành lang Quốc hội, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã phỏng vấn một số đại biểu, trong đó có những ý kiến đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đề ra là rất sát, kịp thời; khơi thông nguồn lực để tạo ra môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cần quan tâm đến chất lượng chứ không nên quá chú trọng về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang):

“Trước những biến động của nền kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước như diễn biến thời tiết bất thường, nông sản mất giá... tuy nhiên, với điều hành quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ cùng với các giải pháp đề ra, tôi cho rằng, các giải pháp của Chính phủ đề ra rất sát, kịp thời cho nên kết quả đạt được rất phấn khởi.

Tôi đồng tình với Chính phủ, thời gian tới đây cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, chứ không nên quá chú trọng về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng. Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5 - 6,7% cho năm 2018 là phù hợp. Bởi, chúng ta có cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã điều hành nền kinh tế trên cơ sở đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trên nền tảng chúng ta đã có cơ sở để tăng trưởng ở mức cao hơn”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH Hà Nội):

“Mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 - đây chỉ là một mốc mà quan trọng hơn Thủ tướng muốn nhấn mạnh vào là những gì đạt được về chất và những gì băn khoăn đứng về chất, đứng về bền vững chưa đạt được để đề ra kế hoạch cho năm 2018 hướng tới mà không chạy theo quy mô tăng trưởng về lượng. Đây là sự thay đổi rất lớn trong báo cáo năm nay cũng như định hướng của năm 2018.

Mục tiêu trọng tâm của năm 2018 đã đặt ra rất rõ là phải ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi về chất lượng tăng trưởng, chứ không đề cao về lượng. Đồng thời cũng phải thay đổi về thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh, thay đổi mô hình tăng trưởng, không phải tăng trưởng về lượng, không phải chạy theo các yếu tố nguồn lực tự nhiên mà phải chuyển sang tăng trưởng về chất. Theo đó, năm 2018, Chính phủ cần đặt mục tiêu ưu tiên nhất chính là tiếp tục mục tiêu thay đổi cải cách môi trường kinh doanh; thể chế để thực sự tạo ra một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính để tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực vì khơi thông được nguồn lực tạo ra môi trường kinh doanh tốt thì đấy chính là yếu tố để tạo ra sự phát triển bền vững cho thời gian tới”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình):

“Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, theo đó, GDP đã tăng trưởng qua 3 quý đầu năm 2017; đặc biệt, quý 3 tăng trưởng rất ấn tượng đạt mức tăng 7,46%. Với những giải pháp của Chính phủ, tôi cho rằng, mục tiêu 6,7% GDP trong năm nay khả năng chúng ta sẽ đạt được. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp đã tăng trưởng rất ấn tượng. Còn đối với tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, chủ yếu chúng ta vẫn còn dựa rất lớn vào tăng trưởng của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần hướng đến tăng trưởng một cách bền vững và chất lượng. Theo đó, chúng ta cần phát triển mạnh khu vực kinh tế trong nước. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; mở rộng các điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, chúng ta khơi dậy những nguồn vốn trong nước, trong  dân để đầu tư phát triển doanh nghiệp trong nước. Qua đó, chúng ta sẽ có nguồn thu nội địa một cách ổn định thì đó mới là tăng trưởng bền vững trong tương lai”.


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn