Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Trình Quốc hội 2 dự án luật

21-05-2020 22:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong ngày 21/5, Quốc hội nghe 2 Tờ trình về dự án Luật Biên phòng Việt Nam và dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Trước đó, quy định về hộ kinh doanh trở thành 1 chương trong Luật Doanh nghiệp hay tách thành dự án luật riêng là nội dung còn nhiều ý kiến tranh luận của đại biểu khi thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa chính sách về biên giới

Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, dự án Luật có 7 chương, 34 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng. Nhiệm vụ biên phòng là: quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, công trình biên giới, cửa khẩu; Bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật, tài nguyên, môi trường ở biên giới, cửa khẩu. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; Xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự; Phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới; Tham mưu cho cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về biên phòng; Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Bộ đội Biên phòng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIVBộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, có một số ý kiến cho rằng, lý do ban hành luật nêu trong Tờ trình chưa quán triệt đầy đủ quan điểm tại Nghị quyết số 33-NQ/TW mà mới triển khai xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Vì vậy, cần tổng kết, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Biên giới quốc gia, pháp luật khác có liên quan; Quy định đầy đủ, cụ thể các chính sách mới và nội hàm của Luật Biên phòng Việt Nam cho phù hợp quan điểm của Đảng và yêu cầu thực tiễn.

Nhiều tranh luận xung quanh quy định luật hóa đối tượng hộ kinh doanh

Trước đó, liên quan đến quy định về hộ kinh doanh trở thành 1 chương trong Luật Doanh nghiệp hay tách thành dự án luật riêng, nêu quan điểm việc điều chỉnh, quy định về đối tượng hộ kinh doanh cần luật riêng, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra con số cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản là 655 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động... Đây là loại hình rất cần được nâng cấp quản lý từ Nghị định lên thành luật riêng để có địa vị pháp lý cao hơn. Đại biểu cũng cho rằng, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt với doanh nghiệp khi chủ yếu hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ lẻ nên khi tách các quy định với hộ kinh doanh ra thành luật riêng để quản lý thì sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Đồng tình, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, số lượng hộ kinh doanh nhiều gấp 5-6 lần doanh nghiệp; hộ kinh doanh về bản chất hoạt động và có cách thức, quy mô rất khác so với doanh nghiệp. Việc luật hóa hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa rõ sẽ quản lý theo phương thức nào sẽ gây khó khăn cho hoạt động của hàng triệu hộ kinh doanh.

Ngược lại, không ít đại biểu ủng hộ việc đưa quy định về hộ kinh doanh thành 1 chương trong Luật Doanh nghiệp. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), các loại hình được quy định trong luật bao gồm cả pháp nhân và cá nhân, do đó đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật là hoàn toàn phù hợp. Đại biểu cũng đề nghị quy định hộ kinh doanh là doanh nghiệp một chủ trong nền kinh tế nước ta. Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ bảo đảm quyền bình đẳng giữa các loại hình, chủ thể kinh doanh hiện có.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp có lợi cho hộ kinh doanh chứ không cản trở hoạt động của loại hình này. Bên cạnh đó, việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh...

Trong phiên làm việc chiều 21/5, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

 


Tuấn Dương
Ý kiến của bạn