Hà Nội

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận 2 dự án luật

22-05-2019 08:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 21/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Kiến trúc và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật này.

Nên bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Liên quan đến quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào CĐ, ĐH. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn GDPT của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. “Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài” - ông Phan Thanh Bình nói.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp đề nghị dự thảo cần có khoản giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tuỳ thực tế mà có thể bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ cấp bằng THPT với những điều kiện cụ thể; tổ chức thi tuyển sinh ĐH như trước kia để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn học sinh học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực. Từ đó chất lượng đầu vào ĐH được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp).

Tránh tình trạng loạn SGK

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng cho biết, có ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ sách giáo khoa (SGK) dùng chung cho cả nước. UBTVQH cho rằng hiện nay quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Việc giảng dạy và học tập phổ thông chuyển từ giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo Luật. Để bảo đảm chất lượng của chương trình và SGK giáo dục phổ thông, dự thảo Luật quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, UBND các địa phương, Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, SGK và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục cấp tỉnh. Đồng thời, Luật cũng quy định quy trình chọn SGK tại địa phương do UBND tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Trong chương trình làm việc ngày thứ 2, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc. Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kiến trúc.

Hà Nội đang rà soát việc chỉ định thầu cho Công ty Nhật Cường

Trước lo lắng của dư luận về việc Công ty Nhật Cường cung cấp nhiều dịch vụ công cho Hà Nội, bên lề Quốc hội Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Thành ủy Hà Nội đã giao UBND thành phố chỉ đạo rà soát nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường cho hệ thống, nhất là chuẩn bị cho kỳ thi, sổ điểm điện tử, dịch vụ công cấp độ 3, 4... để không bị ảnh hưởng. Cho đến nay, vẫn hoạt động bình thường. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc Sở GD&ĐT đều báo cáo vẫn bảo đảm.

Trả lời báo chí về quy trình thủ tục pháp lý, chỉ định thầu các dự án thuộc Nhật Cường, Bí thư Thành ủy cho rằng, thực tế các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thành phố có nhiều công ty chứ không chỉ có Công ty Nhật Cường. Việc này, UBND thành phố sẽ phải rà soát lại để báo cáo Thành ủy. Đây cũng là quy trình thông thường bởi khi báo chí nêu thì thành phố phải có chỉ đạo rà soát, xử lý xem trách nhiệm của ai, của thành phố, hay quận, sở, ngành... để xử lý và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xem xét những vấn đề liên quan.

TS


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn