2 dự thảo được thông qua gồm: Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. 3 dự thảo luật được thông qua là:
Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo (sửa đổi).
Trong sáng 12/6, với đa số 423/466 đại biểu có mặt ở hội trường (chiếm 86,86% tổng số đại biểu) tán thành thông qua Luật An ninh mạng, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nhiều luật quan trọng.
Theo quy định của luật này, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đến nay, gần 20 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam tuy có gia tăng thêm chi phí của doanh nghiệp nhưng là quy định cần thiết phải đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng, nâng cao công tác quản lý của cơ quan chức năng, giúp xử lý nhanh các sự cố, hành vi xâm phạm an ninh mạng. Điều này nhằm đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Cũng trong ngày 12/6, sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Kết quả biểu quyết có 465/468 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,48%.
Nghị quyết Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 quyết nghị: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017. Bội chi ngân sách nhà nước là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước gồm: vay trong nước 197.165 tỷ đồng; vay ngoài nước 51.563 tỷ đồng…
Về giám sát thực hiện, Nghị quyết giao UBTVQH; Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Hội đồng Dân tộc; các Ủy ban khác của Quốc hội; Đoàn ĐBQH; ĐBQH và HĐND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Cũng trong ngày 12/6, với 92,2% đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Nghị quyết nêu rõ, căn cứ vào chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH và Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội xây dựng, triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban.
Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, đoàn ĐBQH, ĐBQH chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
Quốc hội giao UBTVQH chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; hướng dẫn đoàn ĐBQH, ĐBQH trong việc thực hiện hoạt động giám sát; chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát; chỉ đạo việc theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát; tổng hợp và báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình giám sát.
Các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương có liên quan có trách nhiệm hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn ĐBQH và ĐBQH trong hoạt động giám sát; báo cáo và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của cơ quan tiến hành giám sát. Các cơ quan chịu sự giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc những kiến nghị sau giám sát và báo cáo kết quả thực hiện đến Quốc hội, UBTVQH.
Trước đó, với 468/469 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật Tố cáo sửa đổi (chiếm 96,10%), Dự thảo Luật được thông qua gồm 9 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về hình thức tố cáo (được quy định tại Điều 22 dự thảo Luật), qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại…
Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành.
Cũng trong ngày 12/6, với 95,28% số đại biểu tán thành, Quốc hội vừa chính thức thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) thay thế Luật Cạnh tranh năm 2005. Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.