Hà Nội

“Ngày kiêng gió...” nơi biên cương Ðông Bắc

12-05-2017 10:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Tôi được một người bạn công tác tại huyện đội Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về sinh hoạt văn hóa đáng yêu này của bà con dân tộc Dao ở xã biên giới Ðồng Văn nơi đây.

Tôi được một người bạn công tác tại huyện đội Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu về sinh hoạt văn hóa đáng yêu này của bà con dân tộc Dao ở xã biên giới Ðồng Văn nơi đây. Cơn cớ của tập tục này là bởi người Dao quan niệm rằng, vào ngày mùng bốn tháng tư âm lịch là “ngày kiêng gió”. Gặp vào ngày đó thì không nên làm bất cứ công việc gì bởi nếu có làm cũng sẽ gặp trắc trở, không được thuận chèo mát mái. Tốt nhất là hãy gác lại mọi công việc để đi chơi chợ, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, và… uống rượu thoải mái! Dĩ nhiên, “ngày kiêng gió” cũng vì thế mà trở thành ngày hò hẹn của trai gái Dao Ðồng Văn.

Lòng ghen bay theo gió Cao Ba Lanh

Đâu chỉ có ở Khâu Vai hay Sa Pa người ta mới biết dặn lòng mình như thế khi cả vợ cả chồng cùng nhau tồng tênh váy áo đi chợ tìm gặp người xưa. Ở vùng núi Cao Ba Lanh, tương truyền là nơi sinh ra thuyết “phân mao cỏ rẽ” trong việc phân định ranh giới lãnh thổ quốc gia của ông cha ta xưa, “chợ tình” của người Dao Đồng Văn là cơ hội cho các bạn trẻ gặp gỡ tìm bạn trăm năm và cũng là không gian để người ta gặp lại người xưa… Vì lẽ đó mà khi đến chợ, mọi sự ghen tuông thường tình bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho sự rộng lượng và những cơn say theo điệu múa, men rượu và cả lời tình thủ thỉ chuyện khúc nhôi của người xưa cũ.

Chị Lý Thị Thảo kể lại cho mẹ nghe về niềm vui khi đến chợ.

Chị Lý Thị Thảo kể lại cho mẹ nghe về niềm vui khi đến chợ.

Thực tế, chỉ có người Dao ở Bình Liêu là còn giữ phong tục truyền đời này. Cứ đến dịp đầu tháng tư âm lịch, các cô gái, chàng trai người Dao ở đây lại rủ nhau “Mì sèng phẩy hêy dảo” (theo tiếng Dao có nghĩa là “đi chơi chợ mùng bốn tháng tư”).Khu vực được chọn làm nơi họp chợ là một khoảnh đất vuông vắn nằm dưới thung lũng Đồng Văn, tựa lưng vào ngọn Cao Ba Lanh quanh năm mây phủ thuộc khu kinh tế mở cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn trong tương lai. Từ trên cao sẽ thấy khu đất ấy là thắm đượm hòa sắc của biếc xanh hồi quế, trắng tinh khôi hoa sở, hoa trẩu và đỏ nồng nàn của khăn áo mới tìm nhau. Còn khi đã bước chân vào chợ thì dù là khách lạ, người ta cũng sẽ rất thịnh tình mời bạn cùng vui ca hát, thổi kèn, ném còn, đẩy gậy, kéo co và… uống rượu thoải mái!

Ông Dương Cắm Dìu - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn nói rằng, từ nhỏ ông đã thấy người dân nơi đây có tục lệ này rồi. Xã Đồng Văn có 9 thôn bản, nhưng có tới 7 thôn bản 100% là người Dao nên cứ đến dịp này là cả xã vào hội. Trước đây, bà con tổ chức theo kiểu tự phát thì từ năm 2007, huyện Bình Liêu đã giúp bà con tổ chức thành ngày lễ hội chung cho bà con các dân tộc trong huyện. Người Tày, người Sán Chỉ, người Kinh cũng đến chung vui.

Mà đâu chỉ có người Bình Liêu mới nhớ cái chân tìm đến vui với chợ. Anh Hoàng Trọng Kiên - Trưởng Ban quản lý chợ Đồng Văn cho hay: “Vào “ngày kiêng gió”, người Dao ở khắp nơi từ Hải Hà, Đầm Hà, thậm chí cả những vùng xa hơn như Hoành Bồ, Đông Triều... cũng đều kéo đến Đồng Văn. Lượng người khéo có đến cả vạn. Họ hát đối, thổi khèn, uống rượu, vui chơi. Buổi tối, các đôi nam nữ kéo nhau lên rừng hò hẹn tâm sự, tiếng khèn gọi bạn réo rắt suốt đêm. Các đôi trai gái, kể cả đã có gia đình riêng, cũng thoải mái gặp bạn cũ của mình để sẻ chia niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường ngày”.

Nhưng vui nhất trong ngày chợ có lẽ là các thương lái bán hàng tạp hóa người Kinh, người Hoa. Từ sớm, họ đã có mặt trong chợ cùng với những chiếc xe bán tải chở hàng của mình để chuẩn bị cho một ngày kinh doanh hiệu quả. Không khí rất náo nhiệt. Chị Ngân - một chủ đại lí hóa mĩ phẩm ở Tiên Yên cho biết, năm nào chị cũng đến Đồng Văn vào ngày này để bán hàng. Người đến chợ rất đông mà mua bán cũng rất hào phóng, hồ hởi. “Ngày kiêng gió” năm ngoái, chị thu được gần 3 triệu tiền lãi và dự định năm nay sẽ mang theo số lượng hàng nhiều hơn, đa dạng hơn.

Phụ nữ Dao ở Bình Liêu chuẩn bị khăn áo cho “ngày kiêng gió”.

Phụ nữ Dao ở Bình Liêu chuẩn bị khăn áo cho “ngày kiêng gió”.

Ngày của men say

“Chẳng ai biết “ngày kiêng gió” có từ bao giờ. Nhưng ông bà tôi đã đi, bố mẹ tôi cũng đi và bây giờ tới lượt anh em tôi. Năm ngoái, anh trai tôi đã cưới được cô gái chăm chỉ nhất bản Khu Chợ về làm vợ. Năm nay, tôi bán được gần 2ha rừng trẩu, có đủ tiền để làm nhà rồi nên hi vọng sẽ có rượu cưới mời dân bản sau buổi chợ này”, anh Chìu A Lở (nhà ở thôn Đồng Thắng) tỏ ra rất hi vọng. Anh trai của Lở bảo Lở đang “say” cô gái Hoàng Thị Hạt - người dân tộc Tày đang học năm cuối Trường dân tộc nội trú huyện Bình Liêu. Cô gái ấy nhà rất nghèo nhưng đang ấp ủ mong ước trở thành cô giáo nên chắc hi vọng của Lở năm nay sẽ không đạt được. Nghe vậy, Lở chỉ cười, bảo nếu Hạt là cô giáo thì càng phải chăm chỉ khai hoang, trồng được nhiều rừng trẩu thêm nữa. Có thế mới đưa cô giáo về làm dâu bản Dao ta được.

Giữa buổi, chợ mỗi lúc một đông hơn. Chị Lý Thị Thảo (thôn Khe Coóc, xã Tình Húc) vốn đã định ở nhà mà rồi cái đầu muốn đi, cái chân muốn bước bởi “nhìn thấy cả bản ai cũng đi chợ, mình ở nhà làm việc cũng không yên”. Chị nhập vào đám phụ nữ cùng bản chị đang ngồi trong các quán giải khát. Đồ uống của họ hôm nay là những vại bia hơi được giữ lạnh trong bom từ sáng và những két bia “Hai woan” của Trung Quốc.

Vốn thường phụ nữ người Dao hết sức giữ gìn đường ăn nết ở. Người lạ có ở trong nhà họ cả tháng cũng không biết được là họ tắm vào lúc nào. Vậy mà ở đây, những người phụ nữ Dao Bình Liêu uống một cách thoải mái và phóng khoáng. Tìm hiểu thì được biết, người Dao nơi đây quan niệm rằng vào “ngày kiêng gió”, con trai cũng như con gái được tự do làm những điều mình thích, đặc biệt là được tự do… say. Có lẽ chính vì vậy mà chưa hết buổi chợ đã thấy các cô gái, các chị, các bà đều ngất ngư cười nói trong hơi men thoang thoảng.

Chị Chìu Thị Lan (ở bản Nà Choòng, xã Hoành Mô) gọi thêm bia mời bạn, kà rịch kà ràng nói bằng thứ tiếng Kinh nghe đau đầu kinh khủng mới có thể hiểu được: “Bình thường chỉ chồng tao say, còn tao thì làm việc vất vả. Nhưng hôm nay là ngày của tao nên thoải mái uống, không ai được nói ai. Uống đến khi nào cái bụng không chịu được, cái chân không đi được mới thôi…”. Và hình như cơn say của chị không hẳn do những vại bia mà còn có cơn cớ khác bởi tôi thấy chị đăm đăm nhìn lên ngọn cây phía xa mà cất tiếng hát. Người bạn tôi dịch giúp ý nghĩa của câu hát là: “Em tìm anh nhưng sao chẳng thấy, cái chân đã mỏi, mặt trời xuống núi biết bao giờ mới tìm được anh. Anh đang ở đâu, hay anh đã có người khác? Lời hẹn năm xưa anh còn nhớ không?”... Có lẽ “ngày kiêng gió” năm nay, người xưa của chị vì một lí do gì đó mà đã đánh rơi lời hẹn.

Chợ chỉ họp duy nhất có một ngày thôi nên khi mặt trời khuất núi cũng là lúc người ta rủ nhau về. Mọi buồn vui, quyến luyến bỏ lại chợ nơi những vại bia đổ chỏng. Như những chị em khác, chị Chìu Thị Lan lặng lẽ lên xe để chồng đèo về bản. Lác đác chỉ còn lại những người bán hàng bận mải dọn dẹp và vài ba người đàn ông say rượu nằm vắt mình trên những thân gỗ vệ đường.

Và hình ảnh đẹp nhất đọng lại trong tôi sau “ngày kiêng gió” là lúc Chìu A Lở dùng chiếc ô móc vào dây lưng trên chiếc áo chàm kín đáo của cô gái Hoàng Thị Hạt để kéo về nhà. Cũng có đôi chút dùng dằng, e lệ nhưng có vẻ như họ rồi sẽ sớm thành đôi. “Ngày kiêng gió” năm nay, nếu lên với Bình Liêu, có thể bạn sẽ gặp lại đôi trai gái thảo lành như hương hồi, hương quế ấy.


Bài và ảnh: Ngân An
Ý kiến của bạn