Ngày khai giảng đến gần, lo ngại dịch bệnh tay chân miệng

11-08-2023 19:20 | Y tế
google news

SKĐS - Chuyên gia cảnh báo dich bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu 'khựng lại', tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không chủ quan khi thời gian tới trẻ quay lại trường học, nguy cơ tái bùng phát dịch rất lớn.

Số ca bệnh đang ở trạng thái "bình nguyên"

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố ngày 10/8, trong tuần 31 (từ ngày 31/7-6/8), TPHCM đã ghi nhận 2.401 ca mắc bệnh tay chân miệng, số ca mắc trong tuần này đã giảm so với tuần 30 với 2.665 ca mắc.

Nếu so với trung bình số ca mắc bệnh trong 4 tuần trước có thể thấy các tuần 26, 27, 28 là những tuần có tốc độ gia tăng nhanh, khoảng 107-126% so với trung bình 4 tuần trước đó. Tuần 29 và 30 cũng có tốc độ gia tăng tương đối lớn, tăng 43-62% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên, trong tuần 31, tốc độ tăng chỉ 5,6% so với trung bình 4 tuần trước.

Tính từ đầu năm đến ngày 6/8, tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng tại TPHCM đã đạt 16.355 ca, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022 (11.203 ca). Mặc dù con số này vẫn tăng, nhưng tốc độ gia tăng đang dần chậm lại. Điều này thể hiện hiệu quả của việc kiểm soát, phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh của Thành phố.

Trong việc quản lý và điều trị, các bệnh viện đã ghi nhận sự giảm tổng số ca nhập viện trong tuần qua. Tổng cộng có 736 ca nhập viện, giảm 82 ca so với tuần trước. Trong đó, số ca có địa chỉ tại TPHCM chiếm 45,2%. Số ca xuất viện trong tuần cũng tăng lên 924 ca, tăng hơn 150 ca so với tuần trước. Số ca nhập viện mới mỗi ngày dao động từ 87-145 ca/ngày, giảm khoảng 5% so với tuần trước. Số ca nặng điều trị dao động từ 19-30 ca/ngày, giảm khoảng 15% so với tuần trước.

Nguy cơ cao bùng phát bệnh tay chân miệng mùa tựu trường - Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng có thể bùng phát trở lại khi trẻ quay lại trường học. (Ảnh: Vân Sơn).

Thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho thấy, số ca bệnh thăm khám do mắc bệnh tay chân miệng đã giảm xuống. Ngày 11/8, bệnh viện đang tiến hành điều trị cho 125 bệnh nhi, so với các tuần trước thì số ca bệnh đã giảm xuống. Trong các tuần trước, mỗi ngày bệnh viện điều trị khoảng 150-200 bệnh nhi.

Tuy nhiên, theo BSCK2. Nguyễn Minh tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), dù số ca bệnh đã có dấu hiệu giảm nhưng thực tế dịch đang ở tình trạng bình nguyên, tức dịch bệnh đang đi ngang nhưng vẫn ở mức cao.

Dù số ca bệnh tay chân miệng đang có dấu hiệu khựng lại nhưng dịch bệnh tay chân miệng vẫn có nguy cơ lây lan cao. Diễn biến của dịch rất khó đoán trước, đặc biệt khi trẻ bắt đầu quay lại trường học tạo điều kiện cho việc lây lan dịch bệnh.

Tiêu chuẩn 3 sạch bảo vệ trẻ khỏi tay chân miệng

Theo nhận định của ngành y tế TPHCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tới 3-4 tháng tiếp theo. Thời gian học sinh quay lại trường học sẽ trùng với đỉnh dịch lần thứ 2 của dịch tay chân miệng.

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), dù số ca bệnh trên toàn Thành phố giảm nhưng vẫn đang ở mức cao nên phụ huynh tuyệt đối không được lơ là chủ quan. Đặc biệt, trẻ sắp tựu trường tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan, nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất cao.

Để bảo vệ trẻ trước dịch tay chân miệng trong mùa tựu trường, phụ huynh cần đảm bảo thực hiện "nguyên tắc 3 sạch". Theo đó, trẻ cần được ăn uống sạch, ở sạch (trẻ được rửa tay, vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống sạch sẽ), chơi sạch ( đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên). Yếu tố vệ sinh rất quan trọng trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng cũng như nhiều bệnh lây nhiễm khác.

Đồng thời, khi trẻ quay lại trường học cũng là lúc trẻ được tiếp xúc với nhau nhiều hơn, nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng cũng tăng cao, vậy nên, các giáo viên tại các trường mầm non, tiểu học... nên được tập huấn, trang bị những kiến thức liên quan tới dịch bệnh, cách phòng bệnh và các dấu hiệu phát hiện bệnh sớm nhất để có thể ứng phó và kiểm soát dịch tốt nhất. Ngoài ra, các trường học nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn môi trường sinh hoạt, học tập và đồ chơi cho trẻ.

Bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo rằng, ngay khi phát hiện trẻ xuất hiện các triệu chứng cảnh báo bệnh như sốt, nổi hồng ban lòng bàn tay chân, loét miệng, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ca tay chân miệng giảm, TPHCM gửi tin nhắn kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịchCa tay chân miệng giảm, TPHCM gửi tin nhắn kêu gọi người dân chung tay phòng chống dịch

SKĐS - Tốc độ gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng ở TPHCM trong các tuần gần đây có xu hướng chậm dần. Hiện thành phố chưa ghi nhận ca tử vong.


P.Thương
Ý kiến của bạn