Tập dượt trước khai giảng: Học sinh chán nản, phụ huynh áp lực
Theo quy định, đợt nghỉ lễ 2/9 năm nay được nghỉ 4 ngày từ ngày thứ năm 1/9/2022 đến hết ngày chủ nhật 4/9/2022. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh học sinh phàn nàn trong những ngày nghỉ lễ vẫn phải đưa con đến trường để tập dượt trước khai giảng gây mệt mỏi cho các con.
Sáng nay, chị Thúy Hằng (ở Việt Trì, Phú Thọ) vừa đưa con đi tập dượt trước ngày khai giảng về cho biết đã xin phép cho con nghỉ buổi tổng duyệt vào ngày mai.
Chị Hằng chia sẻ: "Hôm thứ tư vừa rồi, tôi đã phải bố trí công việc ở cơ quan để 8 giờ sáng đưa con đi tập khai giảng, 10 giờ lại đi đón con về. Sáng nay, thời tiết nóng nực, con tôi vẫn phải đến trường tập dượt cho ngày khai giảng. Tôi thấy việc tập dượt trước ngày khai giảng là không cần thiết. Nhà trường tổ chức tập dượt trong mấy ngày dưới thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các con trước khi bắt đầu năm học mới và cũng tạo tâm lý không tốt, nhàm chán lên các con".
Để chuẩn bị cho lễ khai giảng diễn ra chu đáo, nhiều trường đã tổ chức các buổi tập dượt để không xảy ra sơ sót, lộn xộn khi buổi lễ chính thức diễn ra.
Tuy nhiên, theo anh Hoàng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con học ở hai cấp học tiểu học và THCS cho biết cũng gặp áp lực khi mọi kế hoạch đi chơi, về quê thăm gia đình vào dịp lễ 2/9 đều phải gác lại vì phải đưa con đi tập dượt trước khai giảng.
Anh Đông phàn nàn: "Nhà trường tổ chức tập dượt trước khai giảng không chỉ một lần mà trường con tôi còn tập kỹ càng đến vài lần. Tôi hiểu sự tập dượt trước này nhằm đảm bảo cho các trường không bị động trước những tình huống ngoài kịch bản và có được một buổi lễ khai giảng hoàn hảo trước mắt các quan khách, thế nhưng trong buổi lễ ấy, học sinh mới là nhân vật chính cơ mà. Ngày khai giảng không nên cứng nhắc mà cần tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cả thầy và trò".
Ngày khai giảng không nên quá nặng về hình thức
Nhìn nhận về vấn đề này, theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc các trường chuẩn bị chu đáo, cẩn thận là tốt nhưng không nên quá nặng về hình thức, dễ khiến học sinh nhàm chán, phụ huynh áp lực. Nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, việc tập đi tập lại nội dung chương trình của ngày khai giảng là không nên. "Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh, ngày khai giảng diễn ra trong thời tiết nắng nóng, các em phải tập trung ở sân trường để nghe những bài diễn văn dài đến hàng chục phút thì không thể vui nổi".
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, khai giảng phải là ngày hội của học sinh. Các em phải là nhân vật trung tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc các trò chơi, cuộc thi dành cho học sinh. Có như vậy, ngày khai giảng mới thật sự vui vẻ, ý nghĩa, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi và giúp học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, các trường học đã có sự thay đổi trong cách tổ chức khai giảng. Lãnh đạo đến dự không phải để phát biểu, mà là chứng kiến và hòa mình vào không khí vui tươi của thầy – trò. Đây là một sự thay đổi lớn nhằm hướng đến học sinh.
Trước đó, ngày 29/8, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4185/BGDĐT-VP về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023. Theo đó, để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Bộ GD&ĐT đề nghị Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học. Trong đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 05 /9/2022. Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.