Hà Nội

Ngày hội hiến máu Hành Bồ Tát đạo và đăng ký hiến tặng mô, tạng

02-08-2019 15:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019 sẽ diễn ra ngày 4/8/2019 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Đây là thông tin được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết trong buổi gặp mặt báo chí giới thiệu về ngày hội được tổ chức ngày 2/8 tại Sóc Sơn.

Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo là chương trình có ý nghĩa về đạo pháp và nhân văn sâu sắc; là một trong những hoạt động của Chương trình phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân hiến máu” của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 43/2000TTg ngày 07/4/2000.

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Giáo hội Phật giáo (Trung ương Giáo hội Phật giáo), Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, nêu rõ, chương trình là tâm niệm, mong mỏi của 500 tăng ni, phật tử để noi theo tư tưởng cứu khổ cứu nạn của Đức Phật. Hiện tại đã có khoảng 400 người đăng ký hiến máu và 50 người đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Giáo hội Phật giáo (Trung ương Giáo hội Phật giáo), Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam chia sẻ tại buổi họp báo.

Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Thanh Quyết cũng cho biết, chúng tôi nghĩ đây là tính nhân văn rất cao, phù hợp với những tư tưởng lớn, từ bi cứu khổ giải thoát. Trước khi Đức phật trở thành phật thì đã bố thí cả chân tay, mắt và các bộ phận trong cơ thể con người, kể cả xương thịt ngài bố thí cho chúng sinh. Bố thí là kính dâng, kính tặng, kính biếu - một trong những đạo để trở thành Phật thì bố thí là đầu tiên. Nếu chúng ta không dám hi sinh cơ thể mình để cứu cho chúng sinh thì đạo đấy không thể thành đạo, không thể thành Phật vì đức phật vì mọi người, hi sinh mình cho mọi người. Tinh thần đó của Đức Phật đã được truyền từ mấy ngàn năm nay. Tư tưởng ấy đã tạo thành mốc quan trọng trong đạo đức của người Việt từ xưa đến nay - Thượng tọa Thích Thanh Quyết nói.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, TS. Bạch Quốc Khánh đánh giá, hoạt động này không chỉ là một hoạt động hiến máu tình nguyện đơn thuần mà còn có tính kêu gọi hiến máu rất mạnh. Ông Bạch Quốc Khánh mong muốn, đây sẽ là một hoạt động thường niên giúp nâng cao và lan toả tinh thần hiến máu cứu người và hiến tặng mô, tạng. Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ trở thành một điểm hiến máu để không chỉ tăng, ni, phật tử mà cả người dân cũng có thể đến hiến máu.

Tại buổi họp báo, ông Lê Gia Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Chăm sóc sức khoẻ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết thêm, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, mặc dù muộn hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận gần 1,6 triệu đơn vị máu (trong đó trên 98% là người hiến máu tình nguyện), tương đương với gần 1,8% dân số hiến máu.

Kết quả của phong trào hiến máu tình nguyện đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các Tăng Ni, Phật tử trong cả nước, tiêu biểu là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An và Bắc Ninh.

Bên cạnh nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị, nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Theo thống kê năm 2006 của ngành Y tế khi xây dựng Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (dân số Việt Nam lúc đó hơn 85 triệu người) thì: Có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn cần được ghép thận và trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội), khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc (trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc) và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi. Tính đến tháng 7/2019, cả nước có gần 25.000 người đăng ký hiến tặng mô tạng và bộ phận cơ thể người sau khi chết não và Việt Nam đã thực hiện được trên 3.000 ca ghép tạng.

Trong những năm qua, việc tuyên truyền hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, với chức năng và nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động người dân tham gia hiến tặng giác mạc và bộ phận cơ thể người, để đem lại sự sống hồi sinh cho các bệnh nhân.

Hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam có hàng nghìn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì số người hiến rất khan hiếm. Do đó, cứu giúp người bằng cách đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời là một việc làm đầy nhân văn. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng kí hiến tạng.

Người dân trên cả nước có nguyện vọng đăng ký hiến mô tạng cứu người khi qua đời có thể liên hệ 2 địa chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và Nhà nước Việt Nam là Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM (địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Hà Nội (địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hà Nội).

Hoặc đăng ký hiến tặng giác mạc tại Ngân hàng Mắt bệnh viện Mắt Trung ương địa chỉ 85 Bà Triệu (Hà Nội) hotline 02439454799 hoặc địa chỉ mail eyebank.vnio@gmail.com.

 

 


Khánh Mai
Ý kiến của bạn