Hà Nội

Du lịch Lai Châu ngày càng khởi sắc, sẽ sớm trở thành ngành kinh tế chủ lực

04-11-2023 08:56 | Xã hội
google news

Theo thống kê mới nhất của Sở VHTT&DL, tính riêng tháng 9/2023, toàn tỉnh ước đón hơn 799.000 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt hơn 586 tỷ đồng.

Du lịch Lai Châu ngày càng khởi sắc, sẽ sớm trở thành ngành kinh tế chủ lực - Ảnh 1.

Các nghệ nhân trình diễn các điệu múa ấn tượng trên sân khấu.

Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, người dân trong vùng đồng bào Thái, Dao, Lự, Mông... tại các bản du lịch cộng đồng đã có thu nhập cao hơn nhờ làm du lịch. Với mong muốn đưa văn hóa các dân tộc lan tỏa, vươn xa, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Lai Châu cũng đã và đang tích cực phục dựng, phát triển các lễ hội đặc trưng, nhằm đưa văn hóa đến gần hơn với người dân, du khách, từng bước phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững.

Du lịch Lai Châu được biết đến với nhiều cảnh quan kỳ vĩ cùng những ngọn núi cao nhất nhì Đông Dương và cánh rừng tự nhiên nguyên sinh; các bản làng giữ nguyên nét văn hóa đặc sắc mỗi dân tộc. Đây là tiềm năng, lợi thế để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng.

Du khách đến với Lai Châu cảm thấy ngỡ ngàng trước khung cảnh tự nhiên kỳ vĩ. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách khi đi từ Sa Pa (Lào Cai) sang Lai Châu là Khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ. Đây là điểm đến, điểm check in tuyệt vời với vẻ đẹp núi rừng hoang sơ đến thơ mộng; từ đây du khách có thể thả mình vào mây núi, được ngắm đèo Ô Quý Hồ (một trong tứ đại đỉnh đèo của núi rừng Tây Bắc) uốn lượn bao quanh sườn núi.

Du lịch Lai Châu ngày càng khởi sắc, sẽ sớm trở thành ngành kinh tế chủ lực - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương phát biểu tại Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.

Nói về các hoạt động khuyến khích du lịch, trong tháng 11/2023, tỉnh Lai Châu đã đăng cai tổ chức "Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người toàn quốc lần thứ I, năm 2023". Trong khuôn khổ Ngày hội, có nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, bao gồm phần trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Ngoài ra, mảnh đất Lai Châu còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Trong đó, các chợ phiên vùng cao còn nét nguyên sơ, độc đáo và đầy bản sắc văn hóa. Những chợ phiên nổi tiếng ở đây có thể kể đến như chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Dào San, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ)…

Cùng với chợ phiên, chợ đêm tuy chỉ mới xuất hiện ở Lai Châu từ năm 2019, trong đó nổi tiếng nhất là chợ đêm San Thàng cũng là một điểm hẹn thu hút khách du lịch. Trên cơ sở chợ phiên San Thàng họp vào thứ 5 và Chủ nhật hàng tuần, chợ đêm San Thàng được mở vào tối thứ 7 hàng tuần. Chợ mở dọc theo hai bên con suối San Thàng, chia ra làm 2 khu vực, nối với nhau bằng một cây cầu nhỏ vắt ngang qua suối.

Du lịch Lai Châu ngày càng khởi sắc, sẽ sớm trở thành ngành kinh tế chủ lực - Ảnh 3.

Đồng bào Lự ở Lai Châu trình diễn tiết mục văn nghệ tại ngày hội.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch thuộc Dự án 6 của Chương trình.

Dự án hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Riêng tại tỉnh Lai Châu đã dành nguồn lực đáng kể cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã phân bổ 72,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp và gần 140 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực văn hóa.

Ngoài ra, tỉnh cũng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác để huy động thêm nguồn lực cho văn hóa. Trong đó, đã huy động 57,5 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Thời gian qua, Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch đã phối hợp với các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Lai Châu để cụ thể hóa, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04/NQ/TU.

Đến nay, Nghị quyết đã đi vào cuộc sống, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy và lan tỏa. Hiện Lai Châu đã phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội; trên địa bàn tỉnh có 45 trường học thành lập câu lạc bộ, xây dựng các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; toàn tỉnh duy trì hoạt động của 864 đội văn nghệ thôn bản, 24 đội văn nghệ xã…

Theo thống kê mới nhất của Sở VHTT&DL, tính riêng tháng 9/2023, toàn tỉnh ước đón hơn 799.000 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu ước đạt hơn 586 tỷ đồng



PV
Ý kiến của bạn