Theo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, hiện nay có hơn 200 bệnh lây truyền qua thực phẩm, trong đó 1 tỷ lệ không nhỏ là các bệnh gây ra do các loài vi khuẩn. Nhóm bệnh này đặc biệt bùng phát vào ngày hè. Bệnh có những tên gọi khác như “Nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn” hay “Nhiễm trùng- nhiễm độc do ăn uống” có thể dẫn tới suy giảm sức khỏe nghiêm trọng.
Các bệnh lý thường gặp do nhiễm khuẩn- nhiễm độc thức ăn
Bệnh tả, bệnh viêm ruột- dạ dày, bệnh viêm cấp tiểu- đại tràng do vi khuẩn và độc tố ruột
Bệnh viêm dạ dày- tiểu tràng cấp và nhiễm độc toàn thân do ngoại độc tố tụ cầu vàng,
Bệnh nhiễm độc tố độc thịt gây viêm dạ dày, ruột và nhiễm độc cơ quan thần kinh và toàn thân
Bệnh viêm dạ dày- ruột kiểu tả hoặc tiêu chảy có hội chứng lỵ
Hội chứng viêm ruột, viêm não, màng não hay nhiễm khuẩn huyết.
Giò, chả là một trong những loại thức ăn bán sẵn trên đường phố dễ nhiễm các vi khuẩn gây bệnh
Cần xử trí kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm
Nếu có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn trong vòng 6h thì cần làm cho người bệnh nôn ra bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.
Tuy nhiên, khi gây nôn phải để đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên , không để nằm ngửa vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi.
Với trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, thì cần xử trí bằng cách:
Dùng chất trung hòa: nếu người bị ngộ độc do những chất acid có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành C¬¬O2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch acid nhẹ như: dấm, nước quả chua….
Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày như: dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo…để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.
Dùng chất kết tủa: nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat.
Dùng chất giải độc: với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit… có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như: uống hỗn hợp than bột, magie oxit.
Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải được đưa ngay tới cơ sở Y tế để được bác sỹ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời.
Biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ việc sử dụng thực phẩm nghi ngờ và niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại (kể cả chất nôn, phân, nước tiểu…) để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất đến xử trí kịp thời hoặc đưa người bị ngộ độc đi bệnh viện.
Vệ sinh, tẩy uế khu vực có chất nôn, phân, nước tiểu của người bị ngộ độc thực phẩm và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt đề phòng sự lây lan của dịch bệnh.
Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột… và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành y tế.
Thanh Loan