Khó khăn thuở mới về làm dâu
"Năm 2011, ngay khi tốt nghiệp đại học, mình và chồng đã nên duyên với nhau. Sau đó hai thiên thần nhỏ chào đời càng nhân lên niềm hạnh phúc, trong gia đình luôn đầy ắp tiếng cười" - y sĩ Nguyễn Thị Hường kể.
Với nam giới khi chọn nghề y là xác định sẽ phải đối mặt với trực đêm, với áp lực công việc, đi sớm về khuya… Gánh nặng ấy đặt trên vai một người phụ nữ khiến chị Hường càng phải nỗ lực hơn để vượt qua.
Chị Hường nói: “Phụ nữ làm nghề y thật sự khó khăn, vất vả vì phải cân đối hài hòa giữa công việc – gia đình. Nhưng thực sự mà nói thì bản thân tôi không thể cân đối, hài hòa được, chúng tôi bắt buộc phải bỏ bớt”.
Vì thế phụ nữ làm nghề y cần nhiều hơn sự hỗ trợ, một “điểm tựa” để chị em có thể tiếp tục theo đuổi niềm đam mê trong công việc. Điểm tựa đó đối với chị Hường đó là gia đình.
"Ngày đầu mới về nhà chồng, mình còn rất nhiều điều bỡ ngỡ. Điều gì mình cũng vụng về. Nhưng thật may mắn khi được chồng, và mẹ chồng tâm lý đã giúp đỡ mình vượt qua được nhiều khó khăn ban đầu đó.
Biết con dâu làm nghề y phải trực đêm, thời gian dành cho gia đình ít, mẹ chồng tôi giúp gần hết công việc nhà. Đến khi có hai cháu, mẹ cũng đỡ đần việc chăm con để tôi toàn tâm, toàn ý làm việc ở trạm", chị Hường kể.
Bên cạnh đó, chị còn có người chồng luôn tâm lý, động viên, giúp chị thu xếp ổn thỏa cả việc của trạm y tế cũng như công việc gia đình 2 bên, nên những vất vả cũng dần vượt qua. Nhờ đó mà gia đình nhỏ của chị luôn đầy ấp tiếng cười, rất ít khi "cơm chẳng lành, canh không ngọt".
Là cán bộ y tế cơ sở, cũng như các đồng nghiệp, áp lực nghề nghiệp đặt lên chị rất nhiều tuy nhiên chị biết thu xếp thời gian, lo toan vẹn toàn cho mái ấm nhỏ.
"Thường xuyên phải trực đêm nên thời gian dành cho gia đình không nhiều. Tranh thủ sau giờ làm việc hay những ngày được nghỉ lễ, những ngày không phải trực, gia đình mình cùng đi thăm bạn bè, nhà nội, bên ngoại, để cả nhà có được những khoảnh khắc bên nhau." - chị Hường kể.
Bí quyết "giữ lửa" gia đình
Hầu hết, các nhân viên y tế cơ sở đều đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn. Như trạm y tế xã Đông Hoà, chỉ có 4 cán bộ, nhưng phải chăm lo cho hàng nghìn nhân khẩu trong xã. Áp lực là vậy, nhưng chị Hường luôn biết sắp xếp, cân đối không để ảnh hưởng đến gia đình.
"Sau những giờ làm việc căng thẳng, mình sẽ về nhà và nấu nhiều món ăn ngon để cả nhà có thể ngồi quây quần với nhau trong mâm cơm." - y sĩ Nguyễn Thị Hường cho biết
Cuộc sống hôn nhân đôi khi sẽ xảy ra nhiều điều cãi vã, nhiều sự hiểu nhầm nhưng đều được chị "hóa giải". Bí quyết của chị Hường đó là luôn luôn cùng tâm sự, chia sẻ với người bạn đời của mình: "Mình và chồng tâm sự nhiều hơn với nhau để anh có thể hiểu được nghề y, rồi nhường nhịn nhau hơn để gia đình luôn được vui vẻ và có nhiều tiếng cười."
Nhớ khi giai đoạn có dịch sốt virus, cúm A, hay COVID-19 trên địa bàn, gần như thời gian dành cho gia đình rất ít bởi chị và các đồng nghiệp luôn trực ở trạm để điều trị cho bệnh nhân. Có nhiều ngày chị chỉ sống và làm việc hẳn ở trạm y tế mà không được nhìn mặt chồng con.
Nhớ lại những ngày trực chống dịch COVID-19, chị xa gia đình biền biệt. Chỉ có điện thoại và những cuộc gọi video call giúp chị vơi đi nỗi nhớ gia đình.
2 con còn nhỏ, việc gia đình đôi bên và chăm sóc con tất cả đều nhờ chồng. Nếu không có người chồng tâm lý, biết thương yêu vợ làm ngành y, "tôi không thể hình dung gia đình khi đó như thế nào bởi có những ngày tôi ở trạm y tế nhiều hơn ở nhà" - chị Hường cười vui.
Chị Hường cũng như các nhân viên tại trạm luôn hết mình vì người dân
Những lúc khó khăn, công việc ở trạm y tế "ngồn ngộn", gia đình luôn ở bên động viên để chị yên tâm hoàn thành tốt công việc của người làm nghề y. "Gia đình là điểm tựa vững chắc cho tôi khi thời gian đi chống dịch đã lấy hết năng lượng của mình. Những lời động viên dù nhỏ thôi đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi - nhân viên y tế xã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chung", y sĩ Hường trải lòng.
Là phụ nữ - "người giữ lửa" trong gia đình, chị Hường đã luôn luôn cố gắng xây dựng tổ ấm của mình một cách trọn vẹn, tạo ra thật nhiều tiếng cười cho tổ ấm.
Phía sau những áp lực của công việc, bước ra ngoài cánh cửa của trạm y tế xã, nhận được những tình cảm, ánh mắt trìu mến, chị Hường như có thêm nguồn sức mạnh tinh thần để hoàn thành tốt công tác của nhân viên y tế tại cơ sở.
Nữ y sĩ Nguyễn Thị Hường bí quyết "giữ lửa" mái ấm gia đình. Video: Trần Viết Bảo