Không ngại vất vả
Biết nghề y nhiều gian nan nhưng từ khi còn là học sinh, Đặng Thị Hợi đã ấp ủ khát vọng được sát cánh cùng các y, bác sĩ ngày đêm túc trực cứu người.
Chị thổ lộ rằng: Bố tôi là một thương binh. Một số lần đưa ông đến bệnh viện thấy hình ảnh nhiều thầy thuốc phải căng mình cứu chữa bệnh nhân, trong lòng tôi lại trỗi dậy sự khâm phục với những người mặc áo blouse.
Biến khát vọng thành hiện thực, 16 năm trước, sau khi học xong nghề điều dưỡng, trước nhiều cơ sở y tế, điều dưỡng Đặng Thị Hợi đã chọn Bệnh viện Tâm thần Trung ương II (Biện Hòa, Đồng Nai) để gắn bó với những "bệnh nhân đặc biệt" cho đến nay.
Những ngày đầu đến với bệnh viện, trong lòng điều dưỡng Hợi cũng có chút lo lắng khi nhìn bệnh nhân với nhiều trạng thái khác nhau. Người thì ngồi im, thả đôi mắt vô định. Người thì cười nói luyên thuyên cả ngày. Người thì trầm tư, người thì thẫn thờ, người thì nhìn kiến bò rồi lẩm bẩm một mình…
Nhưng rồi, những lo lắng đã sớm được xua tan đi khi Hợi nhận ra hơn ai hết, những bệnh nhân tâm thần kia là những người cần sự chăm chút của điều dưỡng nhiều nhất.
Điều dưỡng Hợi chia sẻ: "Quan trọng nhất với nghề điều dưỡng của chúng tôi là sự tỉ mỉ và tâm huyết. Ngày cũng như đêm luôn ở trạng thái sẵn sàng "kề cận" trực tiếp với bệnh nhân. Không giống như ở các cơ sở y tế khác, hầu hết bệnh nhân tâm thần ở đây đều không có người thân chăm sóc. Thế nên điều dưỡng phải chăm sóc toàn diện cả chuyên môn lẫn chuyện miếng ăn, giấc ngủ, phục hồi chức năng cho người bệnh. Có những chi tiết tưởng rất nhỏ như vỗ lưng, dịu dàng động viên người bệnh uống thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh sự điều trị của bác sĩ. Ở đây, các điều dưỡng luôn chăm sóc người bệnh tâm thần như người thân của mình vậy".
Chăm sóc bệnh nhân tâm thần thông thường khó một thì những bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 khó gấp nhiều lần. Nhớ những ngày cao điểm của dịch COVID-19 hơn một năm trước, điều dưỡng Đặng Thị Hợi cùng các đồng nghiệp của mình đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ kín mít lo vỗ về cho từng bệnh nhân uống thuốc.
"Nhớ năm 2021, để giúp bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 uống thuốc đều đặn chúng tôi phát thuốc xong còn phải đứng bên quan sát kỹ càng để tránh tình trạng bệnh nhân nhả thuốc ra, không chịu uống. Có lúc cả hệ thống lãnh đạo lẫn các thầy thuốc và điều dưỡng trong bệnh viện đều tập trung cao độ để chăm lo cho người bệnh. Mỗi một viên thuốc được bệnh nhân uống đều đặn, mỗi một cử chỉ bình thường của bệnh nhân là cả một chuỗi ngày cần mẫn của y, bác sĩ, điều dưỡng. Khi dịch bệnh được khống chế, các điều dưỡng lại lao vào phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần"-Điều dưỡng Đặng Thị Hợi tâm tình.
Với không ít bệnh nhân, Bệnh viện Tâm thần Trung ương II thực sự như nơi nương tựa lớn nhất với cuộc đời họ. Đó là những bệnh nhân mà có khi cả gần nửa thế kỷ không có người thân thích đến thăm. Nhắc về những hoàn cảnh này, điều dưỡng Đặng Thị Hợi thổ lộ: "Một số bệnh nhân vô gia cư, từ mấy chục năm trước đã được đưa vào đây. Điều dưỡng chúng tôi càng phải chăm kỹ hơn. Tuổi bệnh nhân cao nên khi mắc thêm bệnh nặng khác phải chuyển đi cơ sở y tế đa khoa điều trị. Lúc đó điều dưỡng chúng tôi phải đi theo sát như là đi chăm sóc người nhà của mình vậy. Từ lau mặt, bón ăn, hỗ trợ vệ sinh cá nhân…đều phải làm một cách tận tình nhất".
Hạnh phúc với nghề điều dưỡng đã chọn
Nỗi vất vả luôn hiện hữu hàng ngày nhưng có những điều đi vào tiềm thức, nghĩ suy của điều dưỡng, khơi dậy sức mạnh tinh thần để gắn bó, yêu nghề hơn.
Có bệnh nhân tâm thần lúc lên cơn thì hò hét, không nhớ cả người thân mình. Có bệnh nhân thì cứ như ở "cõi điên". Những khi ấy, điều dưỡng lại phải vỗ về họ, chăm sóc như "chăm con mọn".
Nhìn lại chặng đường 16 năm mình đã đi qua, điều dưỡng Đặng Thị Hợi tâm tình: "Cứ nghĩ quá trình chăm sóc toàn diện cho một bệnh nhân tâm thần từ khi họ lên cơn, hay trầm cảm triền miên đến lúc họ tỉnh táo dần, biết nhận thức là một quá trình vô cùng gian khổ. Công sức của cả bác sĩ lẫn điều dưỡng đổ ra không gì đong đếm được. Có những đợt vật lộn lo vệ sinh, ăn, ngủ cho bệnh nhân xong thì mệt lả người".
Bao ngày tháng chăm sóc "bệnh nhân đặc biệt" còn mang đến cho điều dưỡng Đặng Thị Hợi nhiều tình huống khiến chị hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Đó là khi bệnh nhân từ nặng chuyển thành nhẹ dần, từ thờ ơ với điều dưỡng đến biết nghe lời thầy thuốc dùng thuốc đều đặn và đúng giờ.
Điều dưỡng Hợi thổ lộ rằng: "Những lúc bệnh nhân không hợp tác chúng tôi càng phải lao vào an ủi, chăm họ chu đáo hơn vì chúng tôi luôn nghĩ mọi hành động đều là do căn bệnh của họ mà ra chứ họ cũng không hề muốn như vậy. Khác với môi trường bình thường, ở đây chẳng mấy khi điều dưỡng được nghe lời cảm ơn từ các bệnh nhân tâm thần.
Thế nhưng những lúc họ ổn định tâm lý đều gọi chúng tôi là cô, là chú, trong ánh mắt họ như lấp lánh sự cảm kích…thấy thương lắm. Có những ca trực cả đêm chẳng có phút giây nào được giải lao khi nhiều bệnh nhân tâm thần không chịu ngủ yên. Nhưng tình yêu nghề trong lòng tôi chưa bao giờ giảm".
Ngày điều dưỡng Việt Nam năm nay, với điều dưỡng Đặng Thị Hợi nỗi buồn lo nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ còn tình thương yêu đọng lại, nhân lên đó là tâm niệm mà các điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II luôn nhắc nhở nhau.