Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là 2 thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Sẽ chuyển biến căn bản trong thông quan hàng hóa
Liên quan đến các nội dung chất vấn đối với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngành tài chính, nhất là thuế và hải quan đã có những tiến bộ vượt bậc trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), năm 2017 Bộ Tài chính đưa ra 87 nhóm giải pháp cho từng lĩnh vực thuế, hải quan và kho bạc. Giai đoạn 2011-2015 Bộ Tài chính đã cắt giảm 248 TTHC, từ năm 2016 đến nay cắt giảm 172 TTHC và đơn giản hóa 872 TTHC, các lĩnh vực thuộc Bộ Tài chính hiện còn 946 TTHC. Ngành tài chính, cụ thể là lĩnh vực thuế và hải quan đứng đầu trong các Bộ ngành. Thế nhưng, cũng giống như kiểm tra chuyên ngành, việc đồng bộ hệ thống CNTT giữa các Bộ ngành là vô cùng quan trọng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Về công tác thông quan và kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “28% thời gian thông quan hiện nay thuộc trách nhiệm của ngành hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan đến các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Đây là mấu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo gỡ, nếu không sẽ không có động lực thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua cửa khẩu”. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều mặt hàng chịu nhiều quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, một mặt hàng chịu nhiều sự kiểm tra chuyên ngành trong cùng một Bộ, cũng có nhiều hàng hóa thuộc quản lý của nhiều Bộ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các Bộ ngành phải cùng chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn cho việc kiểm tra chuyên ngành.
Về quản lý hóa đơn thuế, Bộ trưởng Dũng cho rằng, người mua hàng ít lấy hóa đơn và quen trả bằng tiền mặt, đây là khâu rất khó mà thời gian tới chúng ta phải tuyên truyền và các giải pháp để xử lý. Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về hóa đơn điện tử và sẽ trình Chính phủ trong năm nay. Về hoàn thuế điện tử, Bộ trưởng cho biết có gần 7 nghìn DN đăng ký tham gia hoàn thuế điện tử, giải quyết 3.987 hồ sơ của năm nay với lượng tiền hoàn thuế là 22.057 tỷ đồng. Đến nay có trên 5 triệu hóa đơn điện tử có xác thực. Bộ trưởng Dũng cho rằng, kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực thuế là rất lớn, tăng 81 bậc, xếp hàng 86/190 quốc gia theo xếp hàng của WB, đứng thứ 3 trong ASEAN.
Liên quan đến vấn đề chống chuyển giá, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đây là vấn đề bức xúc của xã hội và cử tri. Về khung khổ pháp lý, từ 1995 Bộ đã có văn bản hướng dẫn về kiểm soát chuyển giá, gần đây Bộ tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này); đồng thời Bộ cũng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sản xuất liên kết, trong năm 2016 kiểm tra hơn 1.000 doanh nghiệp, truy thu cả ngàn tỷ đồng; năm nay Bộ cũng tiến hành hơn 1.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, truy hoàn thuế hơn 3.000 tỷ đồng...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, các vấn đề: xử lý nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu và xử lý nợ xấu được các ĐBQH liên tục đặt ra. Theo Thống đốc NHNN, trong năm 2016 và 9 tháng năm 2017, NHNN đã tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu, thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ. Đây là các văn bản quan trọng góp phần thúc đẩy, khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo giá trị thị trường; khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ một cách công khai, minh bạch và bình đẳng nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ khoản nợ.
Theo Thống đốc NHNN, trong hơn 10 tháng đã qua của năm 2017, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng sự quyết liệt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ và sự nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vấn đề giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và triển khai tích cực công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu... đã góp phần vào tăng trưởng GDP quý III, cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam, đồng thời nâng triển vọng, uy tín hệ thống ngân hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
Để tiếp tục kiểm soát, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở ngưỡng an toàn và tăng cường xử lý nợ xấu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”. Ngay sau đó, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành ngân hàng nhằm quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết và Đề án; đồng thời, ban hành một loạt văn bản chỉ đạo một cách kịp thời, cụ thể, chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới.
Cũng trong phiên chất vấn sáng 16/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ báo cáo thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong quản lý thu chi ngân sách, quản lý bảo đảm an toàn nợ công, bảo đảm vốn cho đầu tư phát triển... Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ nói không với việc xin nâng trần nợ công”, theo đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về đẩy mạnh tái cơ cấu nợ công, cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn hiệu quả... Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện các chủ trương lớn về vấn đề này.
Phó Thủ tướng cũng nêu ra một số giải pháp cho vấn đề này như: cần phải đặt trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế gắn với đẩy mạnh tăng trưởng, đảm bảo toàn diện và cân bằng, bền vững. Thứ hai là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thứ ba là kết hợp hài hòa các vấn đề quan trọng cấp bách trước mắt với các vấn đề căn cơ và lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là đối với người đứng đầu. Trong vấn đề thu chi ngân sách, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, cần hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng xin cho...
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM):
Việc NHNN linh hoạt trong điều hành nhưng kiên định trong mục tiêu duy trì ổn định thị trường tiền tệ, nhờ đó lạm phát đã được kiểm soát theo mục tiêu do Quốc hội đề ra, vị thế VND được nâng cao, tỷ giá ổn định; tất cả các yếu tố đó là nền tảng cơ bản để ổn định mặt bằng lãi suất huy động VND để từng bước giảm lãi suất cho vay.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ, tín dụng đối với nền kinh tế đã liên tục tăng ngay từ đầu năm và tăng đều qua các tháng. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực về nguồn vốn cho GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016. Vốn tín dụng đã đến với doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):
Giải quyết các thủ tục vay, xây dựng quy trình vay là một trong những vấn đề cải tiến hàng đầu của các ngân hàng hiện nay nhằm đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân):
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh ra đời hình thức kinh doanh mới như qua mạng, Grab, Uber... cách thu thuế truyền thống qua hóa đơn như lâu nay là không còn phù hợp, vì vậy Bộ Tài chính cần phải thay đổi phương thức kiểm soát thuế cho tương lai. Về lâu dài, cần phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước... để kiểm soát, quản lý tốt hơn.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế)
Trước việc các hộ kinh doanh bán lẻ “trốn” thuế do thói quen mua hàng bằng tiền mặt và ngại lấy hóa đơn của người dùng, để tránh thất thu thuế của Nhà nước, người đứng đầu ngành tài chính cần phải có giải pháp, rà soát lại các luật thuế, xây dựng nghị định hóa đơn, chứng từ điện tử để thực hiện trong năm 2018 với toàn bộ nền kinh tế. Ngoài ra, cần tuyên truyền mạnh để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.
K. Giang