Ngày đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia 2019: Công an Phú Thọ vào cuộc xác định động cơ tung đề thi lên mạng của thí sinh

29-06-2019 13:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 25/6, khi các thí sinh thi THPT Quốc gia 2019 làm bài Ngữ văn được khoảng 2/3 thời gian thì hơn 9h, đề thi môn này đã xuất hiện trên mạng xã hội.

Đề thi này được cho là chụp bằng điện thoại di động ngay tại phòng thi. Bộ GD& ĐT cho biết, thí sinh đăng ảnh đề thi lên mạng là thí sinh tự do. Em này ngay sau đó đã bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. 2 giám thị của phòng thi này - 1 đến từ Học viện Ngoại giao, 1 đến từ Trường THPT Minh Hoà (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng bị đình chỉ ngay sau đó. Trong ngày thi đầu tiên, đã có 34 thí sinh trên cả nước vi phạm quy chế thi.

Phú Thọ đã siết chặt hơn an ninh các phòng thi

Liên quan đến sự việc đề thi Văn bị phát tán lên mạng xã hội sáng ngày 25/6, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, do đề phát tán sau khi 2/3 thời gian làm bài đã diễn ra nên không ảnh hưởng tới kỳ thi. Tuy nhiên, công an đang vào cuộc để xác định nguyên nhân và động cơ tung đề lên mạng của thí sinh này. Ngay trong buổi thi chiều cùng ngày, Phú Thọ đã siết chặt hơn an ninh các phòng thi. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các điểm thi trong cả nước tăng cường kỉ luật phòng thi, không để thí sinh mang các thiết bị điện tử vào khu vực thi.

Về sự việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện Công an tỉnh Phú Thọ đã xác định được thí sinh vi phạm và người liên quan và đang tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo thi chỉ đạo cán bộ coi thi tăng cường công tác kiểm tra giám sát không để thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. Còn về thông tin đề thi văn nói trên được gửi ra ngoài chính xác vào thời gian nào vẫn đang được Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ.

1 thí sinh và 2 giám thị coi thi đã bị đình chỉ vì để lọt đề thi THPT quốc gia 2019 môn Ngữ văn lên mạng xã hội.

1 thí sinh và 2 giám thị coi thi đã bị đình chỉ vì để lọt đề thi THPT quốc gia 2019 môn Ngữ văn lên mạng xã hội.

Những thí sinh đặc biệt của kỳ thi

Ở kỳ thi này có một số điểm đặc biệt, đó là tại điểm thi THPT Gia Nghĩa, các thí sinh khá bất ngờ, lạ lẫm về một thí sinh đứng tuổi tham dự kỳ thi. Đó là thí sinh Mai Kim Thiều (SN 1966, học sinh Trung tâm GDTX tỉnh Đắk Nông). Đặt quyết tâm lấy được bằng tốt nghiệp cấp 3 trong kỳ thi lần này, ông Thiều không giấu nổi sự lo lắng khi trước mắt còn 2 môn khá “khó nhằn”. Nam thí sinh cho hay, so với ngày trước thì kiến thức bây giờ rộng hơn nhiều, ông lại có tuổi nên khả năng tiếp thu chậm hơn những học sinh khác. Chọn tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi này, ông Thiều hy vọng những kiến thức mà mình tích lũy được trong thời gian qua sẽ giúp ích được một phần nào.

Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế, Thừa Thiên Huế), có 1 thí sinh dự thi với bộ đề thi được in riêng trên giấy khổ A3 chứ không phải A4 như bao đề thi khác. Đó là Huỳnh Ngân Giang - học sinh lớp 12B4 Trường THPT Nguyễn Huệ. Giang bị bệnh viêm màng bồ đào vào năm 14 tuổi. Em không thể đọc được chữ in trong sách giáo khoa và chữ in trong đề thi khổ giấy A4 thông thường.

Trước kỳ thi, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế đã gửi hồ sơ bệnh án của Giang ra Bộ GD-ĐT để xin ý kiến làm riêng cho em 1 bộ đề thi đặc biệt. Theo đó, thay vì đề thi các môn được in trên khổ giấy A4 thông thường, sẽ có 1 bộ đề thi riêng được in trên khổ giấy A3 với cỡ chữ to hơn và phát tại phòng thi để Giang có thể đọc được. Phần giấy làm bài của em là giấy thông thường như các thí sinh khác.

Vẫn có hàng chục thí sinh bị đình chỉ thi

Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, trong ngày thi đầu tiên có tổng cộng 900.000 thí sinh dự thi, có 34 thí sinh trên cả nước vi phạm quy chế thi (1 thí sinh bị khiển trách, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 30 thí sinh bị đình chỉ thi).

Ngoài ra, 2 thí sinh đến muộn quá 15 phút sau khi tính giờ làm bài nên không được dự thi môn Ngữ văn.

Trong buổi sáng ngày 25/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đi kiểm tra, động viên cán bộ coi thi và thí sinh tại một số địa phương như: Đắk Lắk, Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các hội đồng thi nắm bắt tình hình cụ thể của từng thí sinh và trong trường hợp cần thiết phải báo cáo kịp thời cho Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia để có phương án xử lý phù hợp vừa đúng Quy chế vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 lớn nhất cả nước với hơn 74.000 thí sinh. Dự kiến sẽ có 125 điểm thi được bố trí để tổ chức kỳ thi này. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi tại thành phố Hà Nội là hơn 5.000 người, trong đó, có 125 trưởng điểm thi, gần 3.200 người làm nhiệm vụ coi thi, 250 người làm nhiệm vụ giám sát thi, số còn lại là thư ký điểm thi và nhân viên phục vụ. Để phục vụ kỳ thi, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Riêng Sở Y tế, UBND TP yêu cầu chuẩn bị lực lượng cán bộ y tế, cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi bảo đảm sức khỏe cho học sinh tham gia kỳ thi.


Nguyễn Hoàng - Mai Minh
Ý kiến của bạn