Ngày đầu tiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội: Thẳng thắn, đi vào vấn đề trọng tâm

14-06-2017 13:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 13/6, Quốc hội bắt đầu bước vào 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ngày 13/6, Quốc hội bắt đầu bước vào 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “tư lệnh ngành” thứ 2 trả lời chất vấn của các đại biểu.

Đánh giá đúng các lợi thế cạnh tranh để quy hoạch thị trường

Các nội dung được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tập trung vào giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản. Tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả... Làm thế nào để điệp khúc “được mùa mất giá và được giá mất mùa” được giải quyết triệt để... Vấn đề khủng hoảng thừa đàn lợn, làm gì để có giải pháp căn cơ cứu người nông dân là vấn đề được các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) tập trung chất vấn làm nóng nghị trường.Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Chia sẻ với những khó khăn người nông dân gặp phải trong chăn nuôi lợn thời gian vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do sức sản xuất của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng quá nhanh. Sản lượng thịt nói chung đã tăng trên 3,6 lần; chỉ sau 10 năm đã đạt 23 triệu tấn, lợn nái từ hơn 2 triệu con đến nay đạt khoảng 4,2 triệu con... Cùng với đó, tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong chăn nuôi, dịch bệnh được kiểm soát tốt... đã góp phần làm cho sức tăng trưởng của thực phẩm nước ta vượt quá nhu cầu trong một thời điểm. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng do cơ cấu thực phẩm hiện nay đã thay đổi, nhân dân có nhiều sự lựa chọn hơn về thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày nên mức tiêu thụ thịt lợn đã giảm đáng kể, dẫn đến dư thừa, sức cung lớn hơn sức cầu dẫn đến mất cân đối.

Đề cập về vai trò quản lý nhà nước, làm rõ hơn sự phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác quy hoạch cần xem lại, đặc biệt là sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương. Khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp phải căn cứ theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước để xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cho tốt. “Không phải mọi mặt hàng của chúng ta đều có lợi thế cạnh tranh. Với thịt lợn có thể có năng lực cạnh tranh với các thị trường trong khu vực như Trung Quốc, Philippines, Malaysia... nhưng với 10,6 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm thịt lợn của Việt Nam có giá cạnh tranh còn cao hơn Mỹ và một số quốc gia nếu nhập khẩu vào Việt Nam”. Chính vì vậy, vai trò của cơ quan nhà nước phải xây dựng được quy hoạch để định hướng sản xuất phù hợp với thị trường. Việt Nam phải đánh giá đúng các lợi thế cạnh tranh để quy hoạch thị trường tốt, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.

Năng lực cán bộ ngành còn nhiều yếu kém

Buổi chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời nội dung chất vấn của các ĐBQH quan tâm như: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; Xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch, năng lực công tác của cán bộ ngành...Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận năng lực chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ của ngành còn yếu kém, nhất là thời gian qua, công tác thẩm định và cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... vẫn còn những bất cập, lúng túng. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý, điều hành, thực thi pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, tư duy nhận thức về quản lý lĩnh vực này còn theo lối cũ, chưa bắt kịp với xu thế hiện nay. Cách thức, phương pháp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nặng về quản lý đầu vào mà chưa chú trọng hướng đến phương pháp quản lý tăng cường kiến tạo, hậu kiểm (kiểm tra, giám sát) cho phù hợp với xu thế hội nhập của đất nước. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được chú trọng dẫn đến nhiều cơ quan quản lý, cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân không kịp thời nắm bắt để triển khai thực hiện.

Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và cấp phép đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, di tích, lễ hội... trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của Bộ. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ và các đơn vị theo quy định. Bên cạnh việc đào tạo nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh để sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, hợp tác và hội nhập của đất nước...

Ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời chất vấn Quốc hội. Nội dung chất vấn gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn...


Trần Lâm - Anh Tuấn
Ý kiến của bạn