Theo Công điện số 15/CĐ-CTUBND thành phố Hà Nội, từ 0h ngày 19/7/2021, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn.
Cụ thể, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, và các trường hợp khẩn cấp khác như khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…
Thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng NCovi, Bluezone khi ra ngoài.
Đường phố vào giờ cao điểm vẫn tương đối đông, hình ảnh chụp lúc 7h57 tại ngã tư Láng Hạ Thái Hà
Ghi nhận của phóng viên vào sáng 19/7, ở khung giờ cao điểm sáng, mật độ người đi lại trên đường phố vẫn khá đông dù có giảm hơn so với ngày thường.
Nhiều cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, các nhà hàng bán đồ ăn treo biển “Chỉ bán mang về”. Đa phần người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang. Tuy nhiên việc giãn cách khó thực hiện tại các trung tâm thương mại, chợ bởi chỉ trong ngày hôm qua, sau thông tin về thực hiện Công điện 15 của UBND thành phố Hà Nội, người dân đổ về các siêu thị khá đông để mua sắm, tích trữ thực phẩm.
Chợ Thành Công vắng hơn thường lệ, các biển hiệu truyền thông về công tác phòng chống dịch rất to, rõ ràng
Vào sáng 19/7, tại chợ Thành Công và chợ dân sinh ở khu vực Hoàng Văn Thái, số người đi chợ sớm rất đông, vì tâm lý người dân lo ngại thiếu lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, vào hôm qua (18/7), Sở Công Thương Hà Nội ra thông báo khuyến cáo người dân yên tâm, không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh. Thành phố bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.
Các điểm chổt với lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân
Theo Sở Công thương, lượng hàng hóa chuẩn bị trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa…, để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, thị xã để làm kho dự trữ hàng, bán lưu động khi cần thiết.
Loa thông báo của phường thường xuyên phát thông báo phòng chống dịch
Các hệ thống siêu thị chủ động, sẵn sàng các phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30% đến 50%, đồng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.
Sở Công Thương sẵn sàng trưng dụng 236 xe tại các quận, huyện, thị xã cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán.
Vào sáng sớm chợ dân sinh tại Hoàng Văn Thái khá đông đúc, ảnh chụp lúc 6h50 phút sáng nay.