Ngày đầu, phiên xét xử phúc thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm

22-05-2014 22:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 22/5, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”

Ngày 22/5, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xét xử Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) và đồng phạm về tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo Điều 275 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, biết được anh trai là Dương Chí Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) đã chỉ đạo cấp dưới là Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hải Phòng) đưa Dũng đi trốn. Sau đó, bị cáo Vũ Tiến Sơn cùng Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hải Phòng), Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng), Trần Văn Dũng (Dũng Bắc Cạn), Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng) đã lo liệu cho Dũng trốn đi nước ngoài. Dương Chí Dũng sau đó được đưa vào TP.HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore, Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (tháng 9/2012).

Dương Tự Trọng và đồng phạm.

Tại phiên xét xử, Chủ tọa, thẩm phán Hà Thị Xuyến tuyên bố một số nhân chứng được triệu tập vắng mặt tại phiên tòa, trong đó một số nhân chứng vắng mặt không có lý do. Tuy nhiên, những nhân chứng này có đầy đủ các lời khai ở cấp sơ thẩm cho nên HĐXX quyết định vẫn tiến hành xét xử đối với vụ án. Tiếp theo đó, sau khi làm các thủ tục cần thiết theo quy định, Chủ tọa phiên tòa đã tóm tắt bản án sơ thẩm và đơn xin kháng cáo của các bị can để được nhận sự khoan hồng của pháp luật. Trước đó, sau phiên tòa sơ thẩm, ngoại trừ Hoàng Văn Thắng không kháng cáo, 6 bị cáo còn lại đều có đơn kháng cáo.

Trong phần xét hỏi, hầu hết các bị cáo đều phủ nhận việc tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài mà chỉ làm việc theo chỉ đạo của cấp trên. Riêng Dương Tự Trọng đã nhận toàn bộ hành vi và cho biết do mình chỉ đạo. Trọng nói: “Chúng tôi là những người tham gia nhiều trận đánh án lớn, chúng tôi tự hào về điều đó. Và bây giờ chúng tôi là người phạm tội, bản thân tôi không hối tiếc. Theo tôi, anh Dũng có bị tử hình cũng không sao nhưng với gia đình con cái chúng tôi đây là một cú sốc”.

Với tư cách nhân chứng trong vụ án này, Dương Chí Dũng khai đầu tiên có ý định đi sang Trung Quốc nhưng trong túi lại có sẵn visa đi Mỹ vẫn còn hạn, lại có con gái đang học bên Mỹ nên quyết định đi Mỹ. Tòa hỏi Dương Chí Dũng về những mối quan hệ trong quá trình bỏ trốn. Dũng khẳng định quyết định đi Quảng Ninh và TP.Hồ Chí Minh và quyết định trốn là do bản thân, “còn chú Trọng chỉ đóng vai trò lo xe cộ và người đưa đón, ngay cả Phong cũng chỉ là người đi theo với tôi sang Singapore rồi mỗi người một ngả”. Dương Chí Dũng thừa nhận: “Quyết định trốn đi nước ngoài là quyết định sai lầm, để lại hậu quả nghiêm trọng cho gia đình, người thân và anh em”.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng, có đủ chứng cứ để kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo. Trên cơ sở bản án sơ thẩm đã kết án bị cáo Dương Tự Trọng 18 năm tù giam, VKS thấy đây là khung hình phạt cao ở tội danh này. Tại tòa phúc thẩm này, bị cáo Trọng đã thành khẩn khai báo, thừa nhận sai lầm của mình. VKS nhận thấy đây là tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Về hành vi của Vũ Tiến Sơn, VKS đánh giá: Vũ Tiến Sơn là bị cáo có vai trò đồng phạm thứ hai trong vụ án. Sơn đã nhận chỉ đạo trực tiếp của Dương Tự Trọng sử dụng phương tiện, cách thức khác nhau để đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. Án sơ thẩm đã tuyên bị cáo Vũ Tiến Sơn bản án 13 năm tù giam. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Sơn đã thành khẩn khai báo. Ngoài ra, xét về nhân thân của bị cáo Sơn, VKS nhận thấy trước khi phạm tội, bị cáo Sơn đã có thành tích trong ngành công an, bị cáo có nhân thân tốt. Đây cũng là cơ sở để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Về hành vi của hai bị cáo Đồng Xuân Phong và Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn), VKS đánh giá: Hành vi của hai bị cáo này là đồng phạm ở mức độ ngang nhau. Hai bị cáo trước khi phạm tội có nhân thân xấu, nay lại tiếp tục phạm tội chứng tỏ các bị cáo coi thường pháp luật. Án sơ thẩm đã tuyên Phong 7 năm và Dũng 8 năm tù, VKS nhận thấy các mức án này có phần hơi cao nhất là đối với Trần Văn Dũng. VKS đề nghị HĐXX xem xét việc kết luận mức án của Trần Văn Dũng ngang bằng với mức án của Đồng Xuân Phong.

Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng và Nguyễn Trọng Ánh. Đồng thời đề nghị HĐXX xem xét bác kháng cáo kêu oan của Phạm Minh Tuấn.

Nhóm PV TS-CT


Ý kiến của bạn