Quyết định chọn ngành học không hề dễ dàng
Nguyễn Đức Thành (sinh năm 2006) chia sẻ: "Việc lựa chọn và đưa ra quyết định học ngành gì với em là không hề dễ dàng. Bởi ngoài sở thích ra thì em còn phải xem xét nhiều khía cạnh như học lực và học phí, cơ hội việc làm...
Mặc dù thời gian này chưa đến giai đoạn gấp rút phải quyết định nhưng em rất mông lung, không biết mình muốn học gì, làm gì trong tương lai. Đồng thời sự cạnh tranh vào các ngành đang nổi cũng là một yếu tố khiến em cảm thấy băn khoăn, lo lắng, mất tự tin".
Không riêng gì Thành, thời gian này nhiều sĩ tử lớp 12 cũng đang lo lắng với việc chọn ngành, nghề của mình. Đỗ Tùng Lâm (học sinh lớp 12 Trường THPT Công nghiệp, Phú Thọ) cho biết: "Ngay từ những ngày đầu năm học em đã phân vân và lo lắng trong vấn đề chọn ngành học bởi năm nay là năm cuối tổ chức kỳ thi theo chương trình cũ nên em khá áp lực trong việc sắp xếp các nguyện vọng của mình sao cho hợp lý".
Tại Trường THPT liên cấp Olympia (Hà Nội), việc hướng nghiệp được chia làm 3 mảng chính: giáo dục hướng nghiệp, trải nghiệm và tư vấn hướng nghiệp. Trong đó, với học sinh cuối cấp các em học sinh lớp 12 sẽ có 40 giờ kiến tập và thực tập tại các doanh nghiệp. Đáng nói, hoạt động hướng nghiệp không chỉ gói gọn trong quy mô nhà trường.
Bà Nguyễn Hạnh Chi (Trưởng phòng Tư vấn hướng nghiệp, Trường THPT liên cấp Olympia) chia sẻ: "Tất cả các nguồn lực đều tham gia vào công tác giáo dục hướng nghiệp và tăng trải nghiệm cho học sinh như ban giám hiệu, các thầy cô cố vân, giáo viên bộ môn, phụ huynh, cựu học sinh và các đối tác của nhà trường đã và đang tham gia vào chương trình công tác hướng nghiệp cho học sinh".
Chuyên gia chỉ cách chọn ngành, chọn trường đại học phù hợp
Là một giáo viên có nhiều năm dạy cấp THPT, cô Nguyễn Thị Dung (giáo viên môn Toán Trường THPT Công nghiệp (Phú Thọ) cho rằng, để lựa chọn nghề nghiệp, điều đầu tiên mỗi học sinh cần hiểu rõ bản thân, bao gồm năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực học tập… Các em nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: ngành, nghề, trường và chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích, hứng thú của bản thân.
Theo cô Dung, trước những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời thì việc gặp áp lực là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cứ để tình trạng lo lắng, căng thẳng kéo dài sẽ rất dễ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái tâm lý, từ đó dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc.
Giúp học sinh vượt qua được áp lực để đưa ra những quyết định, lựa chọn phù hợp. Cô Dung khuyên: "Khi gặp khó khăn, không biết bản thân phải làm gì, các em hãy tìm đến sự giúp đỡ từ bố mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô,... để họ có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích, giúp chúng ta phân tích các lựa chọn để đưa ra quyết định một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, các em có thể tham gia các buổi định hướng chọn ngành, chọn trường đại học, các buổi tư vấn tuyển sinh để có thêm nhiều thông tin về các trường đại học chất lượng tốt, từ đó tìm ra được chuyên ngành và môi trường học tập phù hợp với mong muốn của mình".
Còn theo PGS. TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chúng ta không biết được tương lai 5-10 năm tới như thế nào. Nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, bị thay thế bởi robot và không ít ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Các em học sinh cần đối diện và thích ứng với sự thay đổi bằng việc có kế hoạch, định hướng tương lai nghề nghiệp. Khi chọn trường, các em phải hướng tới thị trường lao động 5-7 năm tới.
PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ 5 nguyên tắc chọn nghề: Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích; Không chọn nghề không đủ điều kiện đáp ứng; Chỉ chọn khi đã hiểu biết đầy đủ về nghề (điều kiện, môi trường, tính chất, khó khăn, thách thức...); Không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu; Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng.
Khi áp dụng các nguyên tắc này, học sinh cần dựa trên những số liệu khách quan hoặc mô hình khoa học thực chứng, thay vì theo cảm tính. Ngoài ra, để chọn đúng, các em cũng nên biết thị trường lao động đang cần những nhân lực có trình độ như thế nào.
Hoàn thiện các phương thức tuyển sinh đại học năm 2024 theo hướng đơn giản hóa
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình GDPT 2018.
Cụ thể, hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Xây dựng và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.