Ngày Dân số Thế giới năm 2023 là dịp để Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn.
Ngày nay, phụ nữ có rất nhiều cơ hội để khẳng định bản thân, được nói và hành động theo mong muốn chính đáng của mình, có những đóng góp to lớn vào mọi mặt của đời sống, cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, bình đẳng giới vẫn là một hành trình gian nan, đòi hỏi cần được quan tâm một cách sâu sát, vì chất lượng cuộc sống của mỗi người và vì một xã hội tốt đẹp, nhân văn hơn.
Tại Hà Nội đã diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số thế giới như các quận Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai... đã tổ chức tuyên truyền đến người dân như: Treo băng rôn tại các trục chính của phường; nói chuyện chuyên đề; truyền thông lồng ghép trong các hội nghị; tăng cường truyền thông trên hệ thống loa đài; tư vấn tại hộ gia đình về chính sách Dân số -Kế hoạch hoá gia đình, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hoá gia đình, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi...
Đặc biệt, nhiều đoàn xe tuyên truyền lưu động hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7 trên các trục đường chính của nhiều phố phường trên địa một số bàn quận, huyện.
Tại Quận Ba Đình, thời gian qua, Ban chỉ đạo công tác dân số quận Ba Đình đã có những hoạt động phối hợp mang tính đồng bộ, các hoạt động từ truyền thông đến can thiệp trực tiếp tới những nhóm đối tượng cụ thể được triển khai liên tục như: Câu lạc bộ "Phát huy vai trò và lợi thế người cao tuổi tại cộng đồng", Câu lạc bộ "Thanh niên không nên kết hôn muộn và sinh con muộn", các đề án can thiệp: "Sàng lọc trước sinh", "Sàng lọc sơ sinh", các mô hình: "Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên", "Gia đình bình đẳng, không biệt giới tính"…. cùng nhiều chương trình khác đã phát huy vai trò và tác dụng.
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá Gia đình TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản về dân số - kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn thành phố hoàn thành kế hoạch. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7% (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2% (tăng 4% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022).
Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88% (tăng 1,67% so cùng kỳ 2022). Tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45% (tăng 17% so cùng kỳ 2022). Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.
Tuy nhiên, công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cơ cấu dân số trẻ nên hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố. Tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số...
Nhận định về vấn đề nâng cao chất lượng dân số thời gian qua, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong nâng cao chất lượng dân số. Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đều tăng qua các năm và đã đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2019. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tính từ lúc sinh ra đã đạt 73,7 tuổi (năm 2020) và cao hơn so với trung bình chung của khu vực Đông Nam Á.
Tầm vóc thể lực của người Việt Nam đã có bước cải thiện; chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi có sự thay đổi đáng kể (năm 2020, chiều cao trung bình ở nam giới đạt 168,1 cm, ở nữ giới đạt 156,2cm); tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5 - 19 tuổi) năm 2020 giảm còn 14,8%; tỷ suất tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đều giảm mạnh; tỷ số tử vong bà mẹ cũng giảm mạnh… Nhiều dịch vụ như tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng…
Tuy đã có sự cải thiện nhưng hiện nay chất lượng dân số vẫn còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn còn thấp, tầm vóc chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khoẻ mạnh lại thấp so với nhiều nước; tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người…
Bên cạnh thực tế trên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, còn nhiều khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, mức sinh giữa các vùng hiện còn chênh lệch đáng kể; đặc biệt, việc mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra. Chất lượng dân số còn thấp trong khi phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập…