Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, tỉ lệ thanh niên và trẻ vị thành niên đến khám và điều trị gia tăng. Trong năm qua, Viện đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.
Trong đó theo các bác sĩ, có nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm âm thầm hành xác hoặc tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mà không thông báo cho người thân. Các hệ lụy của trầm cảm ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát.
Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về số lượng những người tử vong do trầm cảm. Tuy nhiên, tại Mỹ (theo nghiên cứu của Trường Đại học Y Colorado Anschutz), hội chứng ngược đãi bản thân (Self-harm) là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong tại bang Colorado (Hoa Kỳ) từ khoảng năm 2004 đến 2014, đứng trước cả các nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn xe cộ, điều kiện y tế và bị sát hại.
Về lý do phát bệnh trầm cảm, theo BS. Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe Tâm thần, có nhiều bệnh nhân có nguyên nhân phát bệnh rất bất ngờ, ví dụ như: cãi nhau trên facebook, bị người yêu chụp ảnh nude tống tình, thi trượt, đổ vỡ thần tượng… Nếu bình thường, biết cách xử lý thì nó chỉ là một sang chấn tinh thần nho nhỏ. Nhưng nếu người nhà không kịp thời phát hiện và can thiệp, bệnh nhân có thể phải dùng thuốc cả đời hoặc tự vẫn. Đối với tất cả mọi triệu chứng trầm cảm, thời gian phát hiện càng sớm thì khả năng hồi phục càng khả quan.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai.
Để trao đổi kinh nghiệm quản lý và chăm sóc cho người bệnh tâm thần, ngày 4/8, BV Bạch Mai đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị khoa học Điều dưỡng Viện Sức khỏe Tâm thần lần thứ nhất. TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, hiện Viện có 35 cán bộ điều dưỡng, trên tổng số 255 giường bệnh nội trú, lực lượng tuy mỏng nhưng đội ngũ điều dưỡng của Viện ngoài công tác chăm sóc người bệnh tại Viện còn tham gia các công tác khác như đào tạo 2 lớp chăm sóc người bệnh tâm thần cho cán bộ thuộc các Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TP.Hà Nội, tham gia công tác đào tạo cho các bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh theo Đề án 1816, hỗ trợ đào tạo nhân viên công tác xã hội cho các trường Đại học…
Ngoài ra, Viện cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều dưỡng, đặc biệt trong lĩnh vực NCKH, cải tiến kỹ thuật. Năm 2016, lần đầu tiên Viện có 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của điều dưỡng, trong đó 2 đề tài đã nghiệm thu và được đánh giá xuất sắc.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: Trong những năm gần đây, Viện Sức khỏe Tâm thần đã không ngừng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nắm bắt kịp thời những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trên thế giới, ứng dụng các kỹ thuật và phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tâm thần, số lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú ngày càng tăng, ngày điều trị trung bình được rút ngắn, đặc biệt công tác khám và tái khám đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh….
Nếu bác sĩ là người chữa người bệnh thì điều dưỡng là người chăm sóc người bệnh, đều nhằm một mục đích chung là phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của bệnh viện, bên cạnh việc chăm sóc người bệnh, đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Bởi vậy, vị thế, vai trò của điều dưỡng từng bước được khẳng định, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với xu hướng hội nhập, phát triển của ngành điều dưỡng trong nước và quốc tế.