Hà Nội

Ngày càng nhiều người trẻ dưới 30 tuổi vô sinh, hiếm muộn

21-12-2021 11:26 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Ước tính khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi trẻ, dưới 30 tuổi. Tỷ lệ vô sinh sau một lần có thai đang có xu hướng gia tăng qua từng năm.

Vô sinh, hiếm muộn luôn là nỗi lo lắng, ám ảnh đối với nhiều cặp vợ chồng. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 7,7% cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tương đương hơn một triệu cặp vợ chồng có vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Đáng chú ý, ước tính khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi trẻ, dưới 30 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang có xu hướng gia tăng sau mỗi năm.

ThS.BS Vương Vũ Việt Hà – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Bưu Điện chia sẻ, mong muốn có con là mong ước chính đáng không chỉ của riêng các cặp vợ chồng, nó còn là nguyện vọng, yêu cầu của gia đình, dòng tộc, xã hội để đảm bảo duy trì nòi giống. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, bác sĩ gặp rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn song vì hoàn cảnh khó khăn mà hành trình tìm con của họ bị gián đoạn.

Vợ chồng anh Hồ Đình Th. (Hưng Yên) là một trường hợp điển hình như vậy. Sinh ra ở một miền quê thuần nông, cái đói, cái nghèo cứ mãi bám riết gia đình bà Lại Thị Nh. nhất là sau khi anh Hồ Đình Th. (con trai bà Nh.) kết hôn. Đôi vợ chồng trẻ dù chịu khó làm lụng vất vả, nhưng quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà cũng chỉ tạm đủ ăn.

Rồi anh Th. tìm được việc làm thêm tại một xưởng mộc, còn chị Ng. (vợ anh) xin làm thêm công nhân gần nhà. Đời sống tưởng sẽ ổn định hơn thế nhưng, 4 năm lấy nhau mà chị vẫn không có tin vui. Mong con, tiết kiệm được đồng nào họ lại mang hết số tiền dành dụm được lên Hà Nội chữa trị. Đi qua 4 bệnh viện, tiền đã cạn mà vẫn không có kết quả.

Thu nhập eo hẹp, kinh tế vốn đã khó khăn lại trở nên khánh kiệt khi làm ra bao nhiêu họ đều đổ hết vào điều trị, có khi thiếu lại đi vay lãi. Hành trình tìm con không chỉ cạn kiệt về tài chính, họ còn bị những áp lực vô hình khác đè nặng…

Ngày càng nhiều người trẻ dưới 30 tuổi vô sinh, hiếm muộn - Ảnh 2.

Bác sĩ tư vấn vô sinh, hiếm muộn cho bệnh nhân.

Xuất phát từ mong muốn giúp đỡ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn khó khăn và đồng hành cùng người bệnh trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, ngày 25/12/2021, tại Hà Nội, Bệnh viện Bưu điện tổ chức Ngày hội tư vấn vô sinh, hiếm muộn mùa thứ 6 theo hình thức trực tuyến với chủ đề "Sinh con khỏe mạnh, hạnh phúc vẹn tròn". Đồng thời công bố kết quả chương trình hỗ trợ một phần kinh phí làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) năm 2021 cho 89 cặp vợ chồng hiếm muộn chưa có con lần nào, có hoàn cảnh khó khăn và có chỉ định làm IVF tại bệnh viện.

Được biết, trong những năm vừa qua, bệnh viện đã hỗ trợ cho gần 300 cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm với tổng số kinh phí hỗ trợ gần 9 tỷ đồng. Từ chương trình này, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn với hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện tiếp tục quá trình điều trị dẫn đến thành công, đã và sẽ sinh con khỏe mạnh.

Các bác sĩ, chuyên gia Hỗ trợ sinh sản cũng sẽ tư vấn miễn phí cho cộng đồng những kiến thức về nguy cơ, nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, cách phòng tránh cũng như phát hiện sớm và điều trị kịp thời khi bị vô sinh, hiếm muộn; các kỹ thuật mới, quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Theo các bác sĩ, một trong những nhân tố quan trọng nhất trong quá trình điều trị vô sinh đó là xác định nguyên nhân là do vợ, chồng hay do cả hai; hay do vô sinh không rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị thích hợp.

Các nguyên nhân gây vô sinh nữ phải kể đến đó là không có rụng trứng do bẩm sinh, tuổi cao, hậu quả của phẫu thuật hoặc điều trị hóa chất. Rối loạn phóng noãn do buồng trứng đa nang, suy tuyến yên, hội chứng thượng thận sinh dục. Rối loạn phóng noãn cũng có thể xảy ra khi đời sống gặp áp lực, căng thẳng. Ngoài ra còn các nguyên nhân về bất thường đường sinh dục, không có âm đạo, không có tử cung, cổ tử cung, dính tử cung do viêm, lao, cắt tử cung...

Với vô sinh nam, thường do không có tinh trùng vì không có quá trình sinh tinh do suy tinh hoàn hoặc do tắc nghẽn hệ thống dẫn tinh. Bệnh nhân nam có tinh trùng nhưng yếu, ít, bất thường về số lượng, độ di động, hình thái... Nguồn gốc của vấn đề này có thể do bất thường bẩm sinh về gen, hoặc hệ quả của các bệnh quai bị, viêm tinh hoàn... Đáng chú ý, uống rượu hút thuốc, sử dụng ma túy và tuổi cao cũng ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, ngoài các yếu tố bẩm sinh không thể phòng ngừa, thì lối sống và việc theo dõi sức khỏe định kỳ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản.

Xem thêm video đang được quan tâm:

WHO phê duyệt vaccine COVID-19 thứ 9



Ngọc Quỳnh
Ý kiến của bạn