Ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh, làm đẹp

27-01-2019 15:23 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ước tính, trong năm 2018 có khoảng 300.000 người nước ngoài khám chữa bệnh ở Việt Nam, trong đó hơn 57.000 người điều trị nội trú.

Riêng trong lĩnh vực da liễu, thẩm mỹ, bên lề Hội nghị khoa học 37 năm ngày truyền thống ngành da liễu vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tại Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày nào cũng tiếp nhận từ 50 – 100 bệnh nhân nước ngoài đến điều trị các bệnh về da, thẩm mỹ, làm đẹp.

"Xu hướng người nước ngoài, bà con Việt kiều đến các Bệnh viện ở Việt Nam chữa trị, làm đẹp ngày càng tăng, đặc biệt là dịp cuối năm. Ở trong nước, xu hướng làm đẹp, thẩm mỹ của người Việt cũng ngày càng tăng lên. Nếu như trước kia, lượng bệnh nhân làm đẹp chỉ chiếm 1/10 bệnh nhân đến khám, đến nay, trong tổng số bệnh nhân đến khám, mỗi ngày khoảng 500 người (chiếm 25%) đến bệnh viện sử dụng các dịch vụ làm đẹp"- Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay.

Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ khám chữa các bệnh da liễu cho nhân dân, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phát triển nhiều dịch vụ, đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp của người dân.

Ngoài nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết, các bác sĩ ngành da liễu đã hoàn thiện rất nhiều cuốn sách, 40 bài báo quốc tế phục vụ cho công tác đào tạo...

PGS.TS Nguyễn Văn Thường cũng cho biết thêm, với cùng một dịch vụ, nếu ra nước ngoài điều trị, ngoài chi phí dịch vụ, tàu xe, đi lại, ăn ở… sẽ gấp 10 đến 20 lần, thậm chí 30 lần so với tại Việt Nam. Vì thế, ngành da liễu Việt Nam đã phát triển, đầu tư để người Việt không còn phải ra nước ngoài khám, điều trị, làm đẹp.

"Các dịch vụ khám chữa bệnh, làm đẹp tại Bệnh viện Da liễu Trung ương tương đương các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan… Đồng thời cũng thu hút lượng lớn người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, kiều bào nước ngoài về quê ăn Tết đến viện khám chữa, làm đẹp"- PGS. Thường cho hay.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Bệnh viện cũng tập trung công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao các kỹ thuật điều trị da liễu cho bệnh viện tuyến tỉnh. Do số bệnh ngoài da trong tổng số bệnh trên toàn thế giới chiếm 30 – 35% các loại bệnh cơ thể, rất phổ biến. Trong đời ai cũng mắc bệnh da liễu ít nhất một vài lần, việc chuyển giao kỹ thuật điều trị xuống tuyến dưới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được khám chữa ngay tại địa phương.

Với chủ đề "Điều trị và chăm sóc một số khiếm khuyết da vùng mặt", Hội nghị khoa học 37 năm ngày truyền thống ngành da liễu lần này cập nhật nhiều tiến bộ, kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, làm đẹp như: Lão hóa da; Cập nhật công nghệ mới trong hỗ trợ điều trị bệnh da liễu; Kiểm soát vết thương trong da liễu; Giải pháp hỗ trợ quá trình lành thương; Hút mỡ; Điều trị thẩm mỹ da vùng mặt...

Các chuyên gia cho biết, trong thời gian qua, với sự ứng dụng nhiều kỹ thuật, phát triển chuyên môn, bệnh viện cũng chẩn đoán ra nhiều bệnh da hiếm gặp người dân vẫn tưởng là bệnh “lạ”. Như bệnh bệnh dày sừng ở Quảng Ngãi do phong tục tập quán ăn gạo mốc, được chỉ ra chính xác căn nguyên mắc bệnh chứ không phải bệnh lạ.

“Thực tế, bệnh “lạ” của chuyên ngành da liễu thực chất là bệnh ít gặp, hiếm gặp, điều trị khó. Ví dụ với khô da sắc tố di truyền, điều trị giảm triệu chứng, giảm nguy cơ biến chứng, tử vong còn không thể khỏi hoàn toàn nhưng cũng giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

D.Hải
Ý kiến của bạn