Hà Nội

Ngày càng nhiều người 'nghiện' nước tăng lực, vậy ai tuyệt đối không được uống?

20-07-2022 14:31 | Cảnh giác thực phẩm
google news

SKĐS - Nước tăng lực không phải là thức uống dành cho vận động viên thể thao và không có tác dụng tăng lực như nhiều người nghĩ. Nước tăng lực chứa quá nhiều đường và caffeine. Uống nước tăng lực thường xuyên, có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì...

Theo BS. Nguyễn Hoài Thu - Chuyên khoa Dinh dưỡng, một trong những vấn đề lớn nhất của nước tăng lực là nhiều người sử dụng pha với rượu bia. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2014 cho thấy, 71% thanh niên (18–29 tuổi) pha đồ uống tăng lực với rượu bia. Khi pha nước tăng lực với rượu, bia, người uống sẽ cảm giác như mình không bị say và uống nhiều rượu, bia hơn do nước tăng lực làm tăng sự tỉnh táo che giấu các dấu hiệu say rượu bia. Vì vậy, pha nước tăng lực với rượu bia được cho là hành động làm gia tăng tình trạng sử dụng rượu, bia ở thanh niên.

Điều đáng lo ngại là các chiến thuật tiếp thị nước tăng lực đang ngày càng hướng tới giới trẻ. Các ước tính cho thấy doanh số bán đồ uống tăng lực ở Mỹ và trên toàn thế giới đã tăng hơn 240%. Đây là một ngành công nghiệp trị giá 21 tỷ đô la, với các chiến dịch tiếp thị nhắm vào giới trẻ và được bán ở những nơi mà nhóm tuổi này dễ dàng tiếp cận.

Thanh thiếu niên tiếp xúc với quảng cáo nước tăng lực trên các trang web dành cho trẻ em, trò chơi máy tính, truyền hình, siêu thị và các sự kiện thể thao nên dễ bị thu hút và sử dụng loại đồ uống này.

Dưới đây là những thông tin của BS. Nguyễn Hoài Thu về tác hại của việc lạm dụng nước tăng lực.

Ai tuyệt đối không nên uống nước tăng lực? - Ảnh 3.

Pha nước tăng lực với rượu bia được cho là hành động làm gia tăng tình trạng sử dụng rượu, bia ở thanh niên.

1. Các chất trong nước tăng lực tác động tới cơ thể như thế nào?

Theo thống kê năm 2019, khoảng 34% người Việt Nam được hỏi sử dụng nước tăng lực tại nhà vào các buổi họp mặt gia đình, trong khi 23% tiêu thụ nước tăng lực để giải khát.

Nước tăng lực hay bị nhầm lẫn với đồ uống thể thao nhưng sự thật, nước tăng lực là một sản phẩm hoàn toàn khác. Nước tăng lực chứa một lượng đường lớn và caffeine. Thừa đường và caffeine dẫn đến các hậu quả như: mất ngủ, các vấn đề về bệnh tim, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì.

Công thức nước tăng lực của các hãng có thể khác nhau, nhưng hầu hết đều sử dụng chất Taurine. Taurine là một loại acid amin, nhưng không phải là loại acid amin thiết yếu. Taurine được tìm thấy nhiều trong não và có vai trò quan trọng trong việc phát triển não, nhất là với tiểu não và võng mạc (mắt). Tuy nhiên, nếu đưa Taurine vào cơ thể qua thực phẩm, thì Taurine sẽ bị thải ra ngoài sau khi đã chuyển hóa thành acid mật. Nói cách khác, tính "tăng lực" của Taurine vẫn còn chưa rõ ràng.

Ai tuyệt đối không nên uống nước tăng lực? - Ảnh 4.

Nước tăng lực hay bị nhầm lẫn với đồ uống thể thao nhưng sự thật, nước tăng lực là một sản phẩm hoàn toàn khác. Ảnh minh họa

Một nhóm chất khác cũng hiện diện trong nước tăng lực, đó là các vitamin nhóm B, như B1, B2, B6... giữ vai trò chuyển hóa năng lượng của tế bào. Nếu cơ thể thiếu chúng, dễ tạo cảm giác mệt mỏi, khả năng chống stress kém... Nước tăng lực thường chứa hàm lượng vitamin nhóm B cao, thậm chí vượt quá cả nhu cầu. Việc dư thừa các vitamin nhóm B (trừ vitamin B12) không có lợi mà cũng chẳng có hại bởi cơ thể sẽ thải bớt ra ngoài.

2. Tác hại của nước tăng lực đối với sức khỏe

Uống nước tăng lực có nguy cơ quá tải lượng đường

Sau nước, đường là thành phần chính trong nước tăng lực. Một lon nước tăng lực trung bình chứa khoảng 41 gram đường. Trong khi đó, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, nam giới trưởng thành một ngày không nên tiêu thụ quá 9 muỗng cà phê đường, tương đương với 37,5 gram đường.

Do vậy, việc uống quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn tới sẽ dư thừa lượng đường, dẫn tới tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch và bệnh gout, ảnh hưởng tới răng miệng và nguy cơ tăng cân.

Uống nước tăng lực có nguy cơ quá tải lượng caffeine và nghiện caffeine

Nước tăng lực có nhiều caffeine – một chất giúp kích thích hệ thần kinh và mang đến cảm giác tỉnh táo. Với một lon nước tăng lực thông thường có thể cung cấp tới 171 miligram caffeine, gấp 38 lần lượng caffeine của một lon nước ngọt có ga hay gấp 7 lần nồng độ caffeine của một tách cà phê. Trong khi đó, theo khuyến nghị của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu EFSA, mức tiêu thụ hàng ngày an toàn của caffeine ở người trưởng thành là 400 miligram.

Uống nước tăng lực thường xuyên có thể dẫn tới tình trạng nghiện caffeine. Caffeine giúp tỉnh táo, tập trung và sảng khoái. Vì vậy, khi sử dụng nhiều caffeine, cơ thể sẽ luôn cảm thấy cần caffeine, đòi hỏi phải có caffeine trước khi hoạt động và làm việc. Nghiện caffeine dẫn đến giảm khả năng tự hoạt động của bản thân.

Ai tuyệt đối không nên uống nước tăng lực? - Ảnh 5.

Uống nước tăng lực thường xuyên có thể dẫn tới tình trạng nghiện caffeine.

Uống nước tăng lực có nguy cơ thừa calo, béo phì

Một lon nước tăng lực chứa trung bình 200 calo, tương đương 10-15% tổng năng lượng cần thiết đối với một người trưởng thành. Uống nhiều nước tăng lực có nguy cơ gây thừa calo, béo phì.

Uống nước tăng lực có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Caffeine kích thích tới hệ thần kinh trung ương, làm tăng nhịp tim và có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực hoặc cảm giác hồi hộp cũng như các vấn đề khác ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.

Uống nước tăng lực có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa

Nhiều người nhạy cảm với caffeine cũng có thể gặp tình trạng khó tiêu, đi ngoài sau khi uống một lượng caffeine dù nhỏ. Bởi caffeine có tác dụng nhuận tràng, tăng sức co bóp của các cơ ruột non và ruột già dẫn tới thức ăn khó tiêu hóa và hấp thụ vào ruột gây ra các cơn co thắt dạ dày.

Uống nước tăng lực có nguy cơ rối loạn cương dương

Các cuộc khảo sát về sức khỏe và dinh dưỡng cho thấy nam giới tiêu thụ lượng caffeine vừa phải ít bị rối loạn cương dương hơn nam giới tiêu thụ nhiều caffeine. Đối với nam giới thừa cân hoặc béo phì hay bị huyết áp cao, tiêu thụ nhiều caffeine thì tỷ lệ bị rối loạn cương dương càng tăng cao.

Uống nước tăng lực có nguy cơ bị huyết áp cao

Những người bị huyết áp cao và bệnh tim mạch không nên sử dụng caffeine. Không nên uống nước tăng lực trước khi đi ngủ bởi nước tăng lực có thể khiến khó đi vào ngủ, ngủ không ngon và mệt mỏi khi thức dậy.

Ai tuyệt đối không nên uống nước tăng lực? - Ảnh 7.

Uống nhiều nước tăng lực có nguy cơ gây thừa calo, béo phì, huyết áp cao, các bệnh tim mạch, tiểu đường

3. Những ai không nên uống nước tăng lực?

Trẻ từ 12-18 tuổi không nên uống vượt quá 100 mg caffeine/ngày. Vì vậy, không nên sử dụng nước tăng lực cho trẻ em và thanh thiếu niên trừ khi có sự giám sát cẩn thận của cha mẹ.

Người lớn khi chọn uống nước tăng lực nên kiểm tra nhãn để biết hàm lượng caffein. Người lớn không nên uống nhiều hơn 200 mg caffein mỗi lần uống và không nên uống nước tăng lực với rượu.

Các vận động viên trẻ: tiêu thụ đồ uống tăng lực 10-60 phút trước khi tập thể dục có thể cải thiện sự tập trung tinh thần, sự tỉnh táo, và sức bền ở người lớn, phần lớn thông qua tác dụng của caffeine. Tuy nhiên, các thành phần khác trong nước tăng lực cần phải nghiên cứu thêm để chứng minh tính an toàn và tác dụng của chúng đối với hiệu suất. Vì vậy, các vận động viên không nên dùng nước tăng lực trong hoặc sau khi hoạt động thể chất.

Bên cạnh đó, nước uống tăng lực không thể bù nước và điện giải. Bên cạnh đó, caffeine trong nước tăng lực cũng có thể gây mất nước tăng thêm. Do vậy uống các loại nước tăng lực khi khi tập thể dục hoặc chơi thể thao không bù được lượng nước tiêu hao và dẫn đến mất nước.

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận, không nên uống nước tăng lực. Lượng caffeine cao vượt mức khuyến nghị trong thời gian dài có thể có nguy cơ bị các biến chứng.

Uống nước tăng lực thường xuyên: Sự lựa chọn nguy hiểmUống nước tăng lực thường xuyên: Sự lựa chọn nguy hiểm

SKĐS - Ngày nay, rất nhiều người lựa chọn uống nước tăng lực khi cảm thấy mệt mỏi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia nói về tác hại khi lạm dụng nước ngọt


Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn