Tôi xách cặp ra khỏi ngõ thì gặp người gánh rươi đi qua phố. Lâu rồi mới gặp cảnh này. Đó là một người đàn bà trạc tuổi bốn mươi, khuôn mặt dãi dầu nắng gió. Người đàn bà này chắc phải đi sớm nên gánh rươi còn tươi nguyên, đặc sánh, nhiều con bò kín cả mặt thúng. Vì bận đi làm, tôi giở điện thoại di động gọi gấp cho con gái xuống mua. Cả ngày hồi hộp thấp thỏm không yên vì bữa chả rươi cuối tuần. Chiều về, con gái tôi thông báo bà bán rươi đã đi xa không tìm thấy được. Tôi cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ và đành phải "ăn rươi" theo tưởng tượng về một thời thơ ấu, xa lắm...
Cứ đến độ cuối thu, mùa bão qua, lúc trời se se lạnh, ở vùng cửa sông Phả Lại, phía Lục Đầu Giang, người ta đi vớt rươi rồi kĩu kịt gánh lên chợ tỉnh bán. Chợ đậu kín hàng rươi. Rươi không bán cân như ở Hà Nội bây giờ mà đong từng bát nhỏ. Mẹ tôi thường ra chợ chọn hàng rươi "tươi" nhất mới chịu mua. Mùa thu qua nhanh và cũng chỉ đọng lại mấy ngày rươi, mẹ tôi cho các con ăn thoải mái. Khi thì nấu canh rươi với dưa chua, lúc thì rán chả rươi. Món này anh em tôi thích nhất... Mẹ tôi rất kĩ khi làm "lông rươi", rồi trộn lẫn lòng trứng, đánh đều cho quyện. Cái món chả rươi này nếu thiếu "cái anh" quýt ta vỏ mỏng, thì là xanh mướt và hành hoa tươi mởn làm gia vị coi như mất hẳn cái hương vị độc đáo của nó. Mẹ tôi gạn chút mỡ lợn đun sôi và đổ rươi vào rán thì không hương vị nào hấp dẫn hơn (cứ gọi là thơm điếc mũi). Nhà tôi vốn đông anh em nên đĩa rươi mẹ bưng lên chỉ loáng cái đã hết nhẵn. Nhiều khi bố mẹ tôi ngồi nhìn các con ăn, im lặng với nét cười hiền. Kể cái món chả rươi cũng lạ, nó không ngấy, không béo và dư vị để lại trên đầu lưỡi thật lâu. Mẹ tôi còn kể, khi pha chế, chớ cho vỏ quýt và thì là quá nhiều, dễ lấn át và không nổi vị rươi lên. Dư vị món chả rươi của mẹ tôi làm thuở ấy còn đọng mãi.. đến tận bây giờ.
Nguyễn Thanh Kim