Chúng tôi xin chuyển tải những chia sẻ của các thầy cô giáo trong ngành y nhân ngày đặc biệt này.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Bích (Giảng viên cao cấp, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Nghề nghiệp, Trường Đại học Y tế công cộng): "Tôi luôn tự hào khi mình là một giảng viên ngành y".
Bản thân nghề giáo viên đã là nghề nghiệp đáng tự hào, là một giảng viên Y tế công cộng, một ngành có nhiều đóng góp cho xã hội, đặc biệt trong dịch COVID-19 vừa qua, tôi tự hào về lựa chọn của mình cách đây 24 năm, tự hào vì được làm việc cùng các đồng nghiệp nhiệt huyết và tâm huyết với nghề.
Trong thư Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gửi chúc mừng thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên ngành Y tế nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có nói: "Các thầy giáo, cô giáo chính là những nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới đào tạo nhân lực y tế, góp phần hun đúc ra những thế hệ cán bộ y tế vừa có tài, vừa có tâm". Chúng tôi xin được cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã ghi nhận vai trò của những nhà giáo ngành Y, đó thực sự là động viên rất lớn đối với những giảng viên như tôi. Ghi nhận này cũng sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến và tận tâm với nghề để có thể thực sự hỗ trợ các học viên trở thành những cán bộ Y tế có đóng góp hiệu quả cho ngành nghề và vì sức khỏe người dân.
BS. Vũ Quốc Đạt (Giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội kiêm Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội): Đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người.
Để trở thành giảng viên lâm sàng thì việc học nội trú gần như là bắt buộc để đảm bảo giảng viên có kinh nghiệm và kỹ năng y khoa thực tế, được đào tạo trong thời gian đủ dài để có thể xử lý độc lập các tình huống y khoa phức tạp. Ngoài ra, giảng viên y khoa cần có đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sư phạm khác như kỹ năng giảng dạy, giao tiếp, phát triển bản thân, thuyết trình, nghiên cứu khoa học…
Điều này giúp việc đào tạo y khoa không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền đạt cảm hứng và khơi dậy tình yêu thương con người, giữ gìn niềm tin vào khoa học cho sinh viên.
Theo tôi, để làm được cùng lúc hai việc, người làm nghề có gấp đôi tình yêu - tình yêu với nghề y và tình yêu với nghề giáo. Sự nỗ lực theo đó cũng phải gấp đôi so với ngành nghề khác. Với tôi, nhờ nỗ lực gấp đôi, thách thức gấp đôi đó mà niềm vui của tôi cũng được nhân đôi. Với vai trò bác sĩ, tôi có cơ hội được nghe lời tâm sự, sẻ chia và những câu chuyện xúc động từ người bệnh. Còn với nghề giáo, tôi được nghe sinh viên chia sẻ về sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, về khát khao được phụng sự cộng đồng của giới trẻ. Tất cả đã truyền động lực giúp tôi luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong các bạn sinh viên đang theo học ngành y hãy học tập thật nỗ lực để có thêm nhiều kiến thức phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. 6 năm học đại học là dài nhưng sau này dù các bạn sinh viên có học lên nữa, thậm chí học xong tiến sĩ thì vẫn là một người học trò vì ngành y đòi hỏi học liên tục và cả đời. Y học là vòng tròn của học tập, thực hành và nghiên cứu. Đừng từ bỏ hành trình đó nếu như bạn vẫn còn nguyên cảm xúc của buổi đầu tiên lên giảng đường y khoa.
Tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2022) và công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ đào tạo chuyên khoa I ngành dược liệu - dược học cổ truyền, chuyên ngành châm cứu của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ mãi mãi không quên, luôn biết ơn và không khỏi xúc động trước hình ảnh của những người thầy cũng là người bác sĩ, người chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 vừa qua.
Chúng ta cũng không thể quên những thầy cô giáo đưa từng đoàn học viên, sinh viên xông pha chi viện cho những tỉnh phía nam khi đại dịch bùng phát. Chúng ta không được phép quên những người thầy, người chiến sĩ áo trắng ngành y đã đi vào chiến trường trong những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 50 năm trước".
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, các thầy cô không chỉ giảng dạy các kiến thức y khoa cho học trò, mà còn truyền cho học trò của mình cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước thông qua sứ mệnh nghề nghiệp của mình, dù là thời bình hay thời chiến.
Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay, các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nói riêng cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, triển khai mô hình các mô hình tiên tiến nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia tự học, nâng cao trình độ chuyên môn.
Chia sẻ với những khó khăn, vất vả của người làm ngành y, người làm giáo dục trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn mong muốn: "Lúc này chúng ta càng phải kiên định với mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và kiên định với sự nghiệp đào tạo nhân lực y tế trong quá trình phát triển của đất nước. Tinh thần và ý chí của các thầy cô chính là ngọn lửa và chúng ta chính là những người thắp sáng, lưu giữ và lan tỏa ngọn lửa thiêng liêng ấy".