Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản, Từ 8h – 17h ngày 14/09/2019, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân.
Người dân tới khám sẽ được các bác sỹ của Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú.
Những đối tượng đến khám là người dân > 40 tuổi và có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
- Hút thuốc lá, thuốc lào > 10 năm;
- Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm;
- Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp;
- Khó thở nặng dần theo thời gian;
- Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm;
- Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng;
Thời gian khám: Thứ 7, ngày 14/09/2019
- Sáng: |
|
- Chiều: |
|
Địa điểm: Hội trường Lớn, tầng 2, nhà P, Bệnh viện Bạch Mai, Số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Hà Nội.
Để đăng ký khám vui lòng liên hệ: Văn phòng Ban quản lý Dự án phòng chống Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản
- Số điện thoại: (024) 3.629.1207 (7h30 – 17h) hoặc (024) 3.350.0064(17h – 20h)
- Email: duanbenhphoi@gmail.com
Ảnh minh họa.
Được biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuật ngữ y học viết tắt là COPD, là tình trạng bệnh lý với các biểu hiện mạn tính ở phổi. Các triệu chứng thông thường nhất là ho, khạc đàm mạn tính và khó thở. Các triệu chứng bệnh tiến triển từ từ tăng dần. Ở giai đoạn nặng, bệnh hầu như không hồi phục ngay cả khi được điều trị. Đây là hậu quả của một quá trình viêm mạn tính ở phổi dưới tác động của tình trạng ô nhiễm khí thở, đặc biệt là thuốc lá.
Theo các chuyên gia, ô nhiễm khí thở mà trong đó đặc biệt là thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh. Khói thuốc lá với khả năng oxy hóa mạnh và kích thích phản ứng viêm dẫn đến phá hủy cấu trúc phổi dưới tác động của các men phân hủy protein. Các triệu chứng ban đầu xuất hiện thường sau 20 năm hút thuốc (tức là khi bệnh nhân ở khoảng 40 tuổi) bằng: ho, khạc đàm, giảm chức năng hô hấp (bệnh nhân không thể làm việc hay gắng sức được vì cảm giác mệt). Khoảng 30 năm hút thuốc thì sẽ xuất hiện triệu chứng khó thở. Tình trạng khó thở tăng dần, không hồi phục. Đồng thời người bệnh có các biểu hiện toàn thân như teo cơ, loãng xương, các biến chứng tim mạch… Giai đoạn cuối người bệnh thường trong tình trạng tàn phế do suy hô hấp và tử vong.