Hai Phiếm đang nhâm nhi chén trà sen, bỗng lắc lắc hộp đựng trà:
- Định pha ấm mới mà hết sạch! Bực quá!
- Bác bực cái hộp đựng trà không còn ấm trà nào?
- Giá còn, tôi với bác nhâm nhi...
- Tìm trà đâu phải trong cái hộp đựng mà ở ngoài cái hộp chứ!
- Hì hì! Ai chả biết nhưng bức xúc với hiện tại thì bực cái cụ thể trước mặt mình thôi!
- Cũng như dân kêu tình trạng bệnh viện (BV) hiện nay ấy nhỉ! Nào là đông, là chật...
- Bực lên thì trách tí thôi chứ ai chả hiểu thầy thuốc làm gì có đất để mở rộng BV. Bộ hay các Sở Y tế cũng làm gì có tiền để giải tỏa hoặc xây nhà cho thuê như các đại gia bất động sản…
- Dân cũng yêu và kính trọng các thầy thuốc lắm đấy chứ! Nhưng thầy thuốc cũng như những người lính trên mặt trận đánh giặc bệnh. Kỹ năng chiến đấu, tinh thần quả cảm hy sinh là ở họ nhưng vũ khí trang bị để chiến đấu thì người lính không thể làm ra được nếu như cả xã hội không chung tay. Ở lĩnh vực này thì bệnh nhân (BN) cũng là chiến sĩ khi họ phải chịu đựng, vượt qua chính mình để chiến thắng bệnh tật cùng các thầy thuốc… Và điều kiện để BN “chiến đấu” với bệnh tật lúc chờ khám, khi trên giường bệnh cũng phải có chứ nhỉ!
- Hình như hiện nay không ít người hiểu sai về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Người chứ đâu phải máy để thầy thuốc là những ông thợ sửa chữa thuê.
Hai Phiếm ngậm ngùi:
- Lúc này càng thấy thương thầy thuốc. Giá như cuộc sống này bớt đi những vụ ẩu đả, những tai nạn giao thông, giá bớt đi những thực phẩm bẩn… cho thầy thuốc bớt nhọc nhằn!
- Và cả những gia đình bớt đi những lần phải bỏ công việc để đến BV chăm sóc BN nữa chứ!
- Tôi cứ mong ngày 27/2 phải là ngày “Toàn dân chăm sóc sức khỏe” để thầy thuốc, bệnh nhân và cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi bệnh tật, gieo thêm những nụ cười trong mỗi ngôi nhà!
Cả Nghĩ