Giai điệu bài hát Tình ca Tây Bắc đã đồng hành cùng chúng tôi lên với tộc người Mảng ở bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè (Lai Châu) để tìm hiểu các nghi lễ huyền bí và thưởng thức những làn điệu Soỏng nồng say. Ðây chính là nét văn hóa đặc sắc của họ vừa mới bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài giữa đại ngàn hoang biệt, dưới sắc hoa rừng thấm đẫm hơi sương...
Tết về với tộc người Mảng
Trong con mắt của chúng tôi, Nậm Củm là một bản thanh bình và bé nhỏ nhất huyện Mường Tè. Nơi đây chỉ có 25 hộ với hơn 150 nhân khẩu đều là dân tộc Mảng. Bên bờ suối Nậm Lường, họ đào ao thả cá, đắp lên những bức tường đá sỏi vững chãi nhưng cũng rất trình tự, góp phần làm cho mảnh đất biên viễn xa xôi này thêm “duyên”.
Vừa đặt chân đến Nậm Củm, chúng tôi gặp ngay sơn nữ Lò Thị Bới đang hớn hở đi đến Nhà đoàn kết của bản tập văn nghệ nên đã vội bám theo để làm quen với các cô gái Mảng khác đều xúng xính trong chiếc váy cuốn tấm vải thô màu trắng, được tham gia những vũ điệu nồng say theo tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng...
![]() Bộ đội và nam nữ Mảng bản Nậm Củm tập văn nghệ. |
Lò Thị Bới là người múa dẻo, hát hay nhất nơi đây, vì vậy hôm nay là dịp dành cho nàng sơn nữ xinh đẹp, dịu hiền này “cháy” hết mình dưới sân nhà sàn. Cô “ngừng tập” làn điệu Soỏng nồng say khi nghe thấy tôi nhờ mách nước tiếp cận với những người thấu hiểu tục xăm cằm - một trong số nghi lễ huyền bí của đồng bào Mảng đã từng bị mai một mới được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu phục dựng.
Vì đã học qua trường nội trú ngoài phố huyện, cho nên Lò Thị Bới nói tiếng Kinh rất... ngọt. Qua vài câu chuyện, chúng tôi thấy cô hiểu khá tường tận những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, nàng sơn nữ này vẫn thẳng thừng từ chối khi được hỏi về tục xăm cằm. Chúng tôi phải “dùng võ”, Bới mới đồng ý dẫn đến nhà già Chìn A Thớm - một trong số những người ở bản Nậm Củm xưa kia nhiều lần làm chủ lễ xăm cằm và cũng là “cố vấn” đắc lực cho các cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu khi đến xã Bum Nưa phục dựng cái nghi lễ độc đáo này. Tôi nhờ Bới điểm danh tổng cộng trong bản hiện nay còn bao nhiêu người mang hình xăm trên cằm. Bới nghĩ một lát, rồi nói “Có bà Nuội, bà Lênh, bà Chơn, chị Phưn và mẹ em nữa đấy!”
Trèo qua mấy bức tường đá sỏi, căn nhà của già Thớm hiện ra với bộ xương con hoẵng (loài vật được người Mảng tôn sùng là Mẹ Lúa). Già Thớm ngừng tay giã gạo nếp, ngước mắt lên nhìn dò xét sự có mặt đột xuất của chúng tôi. Một ông cụ đen đúa với chiếc răng vẩu hiếm muộn luôn chìa ra khỏi bờ môi... cùng mái tóc bạc thếch, mỏng manh như đám sương chiều trên đại ngàn. Chỉ có đôi mắt là đen nhánh nhưng u ám. Qua Lò Thị Bới, chúng tôi biết già Thớm năm nay đã trải qua 90 mùa nương rẫy, đang sống cô quạnh một mình nên rất chịu khó tham gia những sinh hoạt chung của bản. Nghe xong, Bới giải thích về chúng tôi, khuôn mặt già Thớm tươi tỉnh hẳn dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc bóng đèn lấy nguồn điện tua pin chạy bằng nước suối. Già Thớm cất lời: “Ở đây thuộc vùng đất biên giới nên dù là người đi rừng hay bộ đội thì cũng phải uống với nhau chút rượu, nhấm ít thịt trâu khô để cái bụng nó vui, nó ấm áp như mùa xuân đã rồi tao sẽ kể cho nghe tục xăm cằm”.
Sau mấy lần cụm bát và trò chuyện với già Thớm, chúng tôi mới dần dần tỏ rõ tục xăm cằm bắt nguồn từ huyền tích của một chàng trai người Mảng xưa kia lấy được cô vợ rất xinh đẹp, nết na, ngoan hiền và họ sống bên nhau thật hạnh phúc. Nhưng sau khi người vợ sinh con thì tính khí bỗng trở nên ác độc, ích kỷ, vô tâm. Khuyên bảo vợ mãi không được, anh chồng thất vọng ôm mặt khóc. Thấy thế, vị thần coi bản tên là Trừ Giảng nhằm đúng sớm ngày đầu xuân thuở ấy đã hiện lên mách bảo vào rừng tìm cây la hủy đem về giã lấy nước rồi nhúng chỉ khâu miệng vợ lại. Người chồng nghe lời thần nhưng chỉ dùng kim ngâm nước lá châm quanh cằm vợ thôi. Lạ kỳ thay, người vợ bỗng trở về dịu hiền như ngày nào. Kể từ đó, không riêng gì phụ nữ mà cả cánh đàn ông Mảng cũng thực hiện tập tục này, coi những hình xăm trên mặt mình là minh chứng cho sự nết na và trưởng thành.
Khi gặp mấy người đàn bà Mảng trong bản Nậm Củm đã xăm cằm cách đây gần 30 năm, chúng tôi thấy họ đều có chung nỗi nhọc nhằn, lam lũ, già hơn trước tuổi rất nhiều và cung cúc phục vụ chồng hết mực. Ông Trần Văn Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lai Châu đã cho rằng: Xăm cằm là phong tục độc đáo nhất vùng Tây Bắc đã từng bị mai một và hiện nó chỉ được người Mảng thực hiện đối với những ai qua đời trước khi đem chôn. Chúng tôi phục dựng nghi lễ này nhằm góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống lâu đời của họ.
![]() Thiếu nữ Mảng của bản Nậm Củm bên bờ suối. |
Những gam màu văn hóa dân tộc
Do sống tập trung thuần nhất, nên tìm nghệ nhân xăm cằm và am hiểu vốn văn hóa dân gian Mảng ở Nậm Củm còn dễ hơn tìm... cây hoa ban trên núi rừng Mường Tè... Khi chúng tôi đến diện kiến Trưởng bản Lò Y Van và ông Chìn Văn Bơ - hai trong số các “nghệ sĩ” ở đây cả năm suốt tháng đều bận bịu với hàng trăm thứ việc chung, việc tư nhưng vẫn say mê ca hát, chế tác nhạc cụ.
Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà sàn tuềnh toàng, ông Bơ hình như không bận tâm lắm với cái khốn khó của cuộc sống gia đình mình, mà luôn nhắc đến những “gam màu” văn hóa dân tộc Mảng đang được các ngành chức năng địa phương quan tâm bảo tồn, dân bản nêu cao ý thức gìn giữ, phát huy. Chiều lòng chúng tôi, ông Bơ đưa thêm mấy thanh củi vào bếp để ngọn lửa thêm bập bùng và nhấp một ngụm rượu cho mềm môi... rồi mới chậm rãi thả hồn vào “dòng nhạc truyền thống”. Ông vừa thổi sáo, vừa lấy đôi đũa gõ vào cái điếu thuốc lào, vừa hát say sưa, hòa quyện như trời với đất, như mây với gió, như cây với rừng... Được thưởng thức các bài hát dân ca Mảng cổ “Y Soỏng”, “Soỏng Ha Pỉa”, “Soỏng chù”, “Soỏng vằn hê”... chúng tôi cứ nghĩ mình đang nghe những lời độc thoại của chính ông Bơ đang vắt ra từ... gan ruột.
Theo ông Bơ, mọi công việc, mà đặc biệt là những cái gì liên quan đến hát hò, diễn xướng ngoài năng khiếu ra thì phải có cái bụng yêu nó. Người Thái, người Mông, người Hà Nhì, người Cống... trên mảnh đất biên viễn này biết làm đàn tính tẩu, khèn pí, chiêng... để tấu lên những bản nhạc trầm bổng trong các lễ hội. Người Mảng chế tác sáo và bộ gõ ống rất đơn giản nhưng cái khó là âm thanh phát ra làm sao cho thần linh tận hưởng, lòng người xúc động và buộc con chim phải hòa vào để hót; con chồn, con nhím, con chuột thôi không còn ra ruộng lúa, ruộng bắp phá phách... Đời ông Bơ bây giờ mới thấy vui hơn trước vì bà con người Mảng mình kể từ khi Chính phủ hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo... đã nâng cao ý thức gìn giữ những gì thuộc về văn hóa truyền thống của dân tộc. Hàng trăm bài dân ca với rất nhiều điệu múa Mảng cổ nồng say dưới sự “chỉ huy” của Trưởng bản Lò Y Van và ông Bơ luôn được đồng bào say mê tập luyện, biểu diễn đều đặn vào mỗi khi bản có hội hè, cưới hỏi.