Từ chế lời ca khúc
Có thể nói, clip quảng cáo sản phẩm là một “đặc sản” không thể thiếu trên sóng truyền hình nước ta. Nhưng đáng nói hơn, trong nhiều đoạn quảng cáo trên các sóng truyền hình, mạng xã hội..., không ít clip khiến người xem bức xúc.
Vừa qua, dư luận và cả người trong cuộc cảm thấy thất vọng khi ca khúc nổi tiếng Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp được chế lời để đưa vào một clip quảng cáo. Theo đó, trong đoạn quảng cáo khoảng 30 giây cho một thương hiệu phở ăn liền, ca sĩ H.N. xuất hiện trên sân khấu trong bộ trang phục áo dài cùng kiểu tóc người con gái Hà thành xưa thể hiện ca khúc Nhớ về Hà Nội với lời chế: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành...”. Đoạn clip quảng cáo này sau đó khiến người xem dậy sóng bức xúc.
Không ít ý kiến cho rằng, Nhớ về Hà Nội là ca khúc gắn bó với nhiều thế hệ, được xem là một trong những nhạc phẩm hay nhất về Thủ đô, việc chế lời ca khúc để làm clip quảng cáo cho một món ăn đã xúc phạm đến người quá cố, tình yêu của hàng triệu người dành cho Thủ đô yêu dấu. Người trong cuộc, ông Lưu Nguyễn (con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp) gần đây cho biết, nếu biết trước việc chế lời ca khúc Nhớ về Hà Nội như trên, gia đình có thể góp ý, cũng có thể không đồng ý vì lời lẽ sau khi sửa lại có thể làm ảnh hưởng đến tình cảm của người Hà Nội. Trước những bàn tán xôn xao từ dư luận, đơn vị nắm giữ bản quyền ca khúc Nhớ về Hà Nội và đại diện đơn vị truyền thông của doanh nghiệp đã gọi điện xin lỗi ông Lưu Nguyễn và gia đình.
Ca khúc Nhớ về Hà Nội gần đây được chế lời, ca sĩ H.N. hát trong một clip quảng cáo phở làm người xem bức xúc.
Trước đó, không ít lần người xem truyền hình cảm thấy khó chịu khi phải nghe những đoạn nhạc chế trong các clip quảng cáo. Ca khúc Bống bống bang bang (sáng tác Only C) vốn gắn với bộ phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân, lại được nhãn hàng sữa rửa mặt đưa vào quảng cáo thành phiên bản Vũ điệu diệt khuẩn với ca từ vô bổ: “Ngày nay, nay ơi là nay, khi hè sang tận làng Ninja. Nhà kia có hai mẹ con tiêu diệt vi khuẩn đang quấy phá”. Bên cạnh đó, ca khúc Duyên phận được sáng tác bởi nhạc sĩ Thái Thịnh, nổi tiếng qua tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh lại được một nhãn hàng về điện máy thay chế lời gượng gạo và ngược ngạo: “Phận là phụ nữ. Mua đồ là đam mê. Quạt nồi, bếp gas, bình, tách, ly muốn mua quài quài. Mua ngay chị ơi. Giá không cần lo. Rẻ hơn nhiều luôn. Xem giá đi! Chảo ly nồi cơm, máy xay, bình đun”. Tương tự, một đoạn quảng cáo sản phẩm mì gói của một doanh nghiệp cũng chế lời từ bài Bao giờ lấy chồng? (sáng tác Huỳnh Hiền Năng) làm người xem ngao ngán: “Mì (...) này có thịt. Ôi vị ngon thật đủ đầy. (...) giờ đây có thịt nha”. Lời chế này khiến bài hát Bao giờ lấy chồng? do Bích Phương thể hiện thành công, vốn đáng yêu trước đó bỗng trở nên nhạt nhẽo, vô vị và nhảm nhí.
Đến hình ảnh minh họa khó “nuốt trôi”
Không chỉ có phần âm nhạc, người xem truyền hình còn ngao ngán với hình ảnh minh họa trong nhiều clip quảng cáo. Điển hình một clip quảng cáo nước rửa bồn cầu với hình ảnh người phụ nữ đập tay vào cô bé đứng cạnh sau khi... quẹt vào bồn cầu để chứng minh vi khuẩn đã sạch hoàn toàn. Nhiều bậc phụ huynh lo ngại con em họ nếu xem được clip quảng cáo này sẽ bắt chước sẽ rất nguy hiểm. Hoặc clip quảng cáo nước tăng lực, bánh ngọt đăng tải trên mạng xã hội với sự tham gia của của một số người mẫu, ca sĩ trong showbiz. Các nhân vật mặc trang phục hở hang, khoe cơ thể, có những động tác tạo dáng gợi dục...rất phản cảm. Chưa kể, trong khoảng thời gian ăn cơm gia đình, cả nhà đang xem chương trình bình thường thì bỗng nhiên xuất hiện đoạn quảng cáo... nước rửa bồn cầu hay băng vệ sinh chình ình trên màn ảnh nhỏ khiến bữa cơm “đổ sông, đổ biển”.
Thực tế cho thấy, quảng cáo truyền hình là kênh quảng bá thông tin dịch vụ và sản phẩm hiệu quả của các doanh nghiệp tới công chúng, người tiêu dùng. Với sự phát triển ngày càng nhanh và rộng, khán giả hiện nay có nhiều lựa chọn xem truyền hình hơn, với số kênh đa dạng cả ngày lẫn đêm. Thậm chí, trong không ít chương trình, các bộ phim hút người xem, thời lượng quảng cáo sản phẩn còn tương đương thời lượng chương trình chính. Điều này vô tình khiến người xem cảm thấy ức chế và khó chịu vì khi xem chương trình, bộ phim yêu thích thì luôn bị ngắt quãng nên mất cảm xúc.
Không thể phủ nhận quảng cáo trên truyền hình là một phần thường xuyên xuất hiện trên màn hình tivi, khán giả dù muốn hay không cũng khó tránh và đôi khi “phải xem”. Song một khi những clip quảng cáo thiếu đi sự biên tập kỹ lưỡng, thiếu sự sáng tạo và chuẩn mực thì sẽ gây hiệu ứng ngược, bởi clip đó vừa không đạt được hiệu quả truyền thông, vừa khiến khán giả có ấn tượng xấu với sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá.