Ngáo đá - Tội phạm tiềm ẩn ngay trong gia đình

09-05-2019 06:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Liên tiếp những thảm án thời gian gần đây mà hung thủ là người nghiện ma túy tổng hợp, gây án trong trạng thái bị ảo giác khiến xã hội rúng động.

Mới đây, sáng sớm 7/5, người dân Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội bàng hoàng khi hay tin ông N.V.U bị chính con trai mình được cho là ngáo đá đâm chết, mặc dù thường ngày anh Đ. được hàng xóm cho là người hiền lành. Từ thực trạng cơn bão ma túy đang hoành hành, người dân lo lắng trong nhiều gia đình tiềm ẩn tội phạm, có nhiều trường hợp nạn nhân chính là những người trong gia đình.

Khó nhận biết tội phạm ngay bên cạnh mình

Trao đổi với PV, Trung tá Hoàng Văn Dương - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Hoàng Mai tại hiện trường vụ án tại Mai Động chia sẻ, ma túy nói chung, ma túy đá nói riêng là nguyên nhân của các loại tội phạm, mà dấu hiệu nhận biết chính xác người ngáo đá hiện nay vẫn là bài toán khó. Gần như tội phạm ngáo đá không có biểu hiện bất thường rõ rệt cho đến khi gây án đầy bất ngờ khiến cả xã hội giật mình. Điều đáng lo ngại là các đối tượng sử dụng ma túy thường có diễn biến tâm thần âm thầm, người ngoài khó nhận biết để sớm ngăn chặn.

Liên quan đến vấn đề trên, theo BS. Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương, điều nguy hiểm nhất cho xã hội là khó phát hiện người đang dùng “hàng đá”. Ngay cả lúc thiếu “hàng”, người nghiện chỉ thể hiện trạng thái mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ, trầm cảm và vẫn vượt qua được cơn thiếu thuốc chứ không có triệu chứng vật vã, đau đớn như kẻ nghiện heroin. Vì vậy, người khác nhìn vào lầm tưởng đó là phản ứng tâm lý bình thường của một người làm việc nhiều, thức khuya, căng thẳng... Khi đó, tội phạm có thể ngay bên cạnh chúng ta, những người mà ta không hề có ý thức đề phòng.

Các vụ trọng án xảy ra trong thời gian qua do các đối tượng “ngáo đá” gây ra, ông Hùng nhìn nhận, nguyên nhân phát sinh không phải là do thù hằn, mâu thuẫn gì mà chủ yếu là do ảo giác ngáo đá bộc phát. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng không hề biết mình đang làm gì, khi hồi tỉnh lại thì mọi chuyện đã quá  muộn.

Du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây, ma túy tổng hợp (MTTH), đặc biệt là ma túy “đá” dần len lỏi từ thành thị đến nông thôn, “áp đảo” các loại ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện. Hậu quả mà ma túy nói chung, ma túy “đá” nói riêng gây ra cho xã hội thì đã rõ, nhưng để hạn chế nó không phải là cuộc chiến dễ dàng.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ ngáo đá đâm chết bố ruột ở Mai Động.

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ ngáo đá đâm chết bố ruột ở Mai Động.

Nhức nhối xã hội

Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% số người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% số người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% số người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Hậu quả khôn lường của ngáo đá trong thời gian qua là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bạn trẻ, xã hội cũng đang “oằn mình” gánh những hậu quả của ngáo đá mang lại. Tuy nhiên, để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng này là điều không hề đơn giản, đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội trong cuộc chiến đầy cam go và phức tạp với nạn buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay.

Tuy nhiên, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm, đó là xử phạt tội phạm ngáo đá gây án như thế nào? Bởi các văn bản hiện nay, người sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó có ma túy đá) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính. Theo các chuyên gia tội phạm học, đây là một chủ trương nhân văn nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy xã hội và làm mất đi công cụ hữu hiệu trấn áp loại tệ nạn nguy hiểm này. Việc sử dụng chất kích thích dẫn đến ngáo đá, mất khả năng kiểm soát hành vi có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, những vụ việc bị “ngáo” rồi gây án giết người cần phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh và răn đe, phòng ngừa chung.

Cần thiết phải bổ sung luật?

Theo LS. Phạm Huy Tuyến - Văn phòng Luật sư Phạm Danh cho biết, người phạm tội trong tình trạng ngáo đá sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về các vi phạm đã thực hiện. Việc sử dụng ma túy là trái pháp luật và tùy vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vì thế, phạm tội trong tình trạng ngáo đá là tình tiết tăng nặng, thay vì giảm nhẹ như nhiều người nghĩ - LS. Tuyến khẳng định.

LS. Tuyến phân tích, thứ nhất, “ma túy đá” chính là một dạng ma túy bị pháp luật cấm sử dụng; thứ hai, người ngáo đá là người tuy ý thức được việc mình đang có hành động vi phạm pháp luật (sử dụng ma túy) nhưng vẫn cố tình thực hiện. Tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 ngày 27/11/2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, cần phải bổ sung luật xử phạt nghiêm hành vi này.

Tuy vậy, nhằm phòng ngừa có hiệu quả những hệ lụy do đối tượng sử dụng MTTH bị ngáo đá gây ra, rất cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở với các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng MTTH và gia đình tự nguyện khai báo tình trạng sử dụng ma túy, yêu cầu cam kết không sử dụng. Mặt khác, tích cực vận động, thuyết phục người sử dụng MTTH tự nguyện cai nghiện và tập trung chữa bệnh tại các bệnh viện tâm thần. Hạn chế đến mức thấp nhất sự phát triển, lây lan tệ nạn ma túy trên địa bàn.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn